Phật giáo và đời sống thế tục

Có nhiều bài kinh Đức Phật dạy cho hàng cư sĩ rất gần gũi và thiết thực, giúp cho người Phật tử tại gia tìm thấy an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại; cũng có nghĩa là đóng góp cho sự hài hòa, ổn định của xã hội. Điều đó cho thấy Đức Phật không chỉ quan tâm đến đời sống xuất gia cầu giác ngộ, giải thoát, mà Ngài còn quan tâm đến đời sống thế tục của những ai còn vương vấn bụi trần, giúp cho những người có nhân duyên với Ngài, có nhân duyên với giáo pháp của Ngài đạt được sự thăng bằng vững chãi để sống cuộc sống hướng thượng.

Tăng Chi Bộ kinh (tập III), chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dighajanu, phần Người Koliya có thuật lại như sau:

Một hôm, có vị cư sĩ đệ tử Phật tên là Dighajanu đi đến đảnh lễ và bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ còn hưởng thụ các dục, sống hệ phược với vợ con, dùng các thứ hương hoa, phấn sáp, thọ lãnh vàng bạc. Bạch Thế Tôn, xin hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, thuyết những pháp đem đến cho chúng con hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại và hạnh phúc, an lạc trong tương lai”. Đức Phật đã dạy Dighajanu rằng: “Này cư sĩ, có bốn pháp này đưa đến an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại và an lạc hạnh phúc trong tương lai cho người sống đời sống tại gia. Bốn pháp đó là: 1. Đầy đủ sự tháo vát; 2. Đầy đủ sự phòng hộ; 3. Làm bạn với thiện; 4. Sống thăng bằng, điều hòa”.
Qua bài kinh, Đức Phật cho biết, người Phật tử tại gia là người sống đời sống thế tục còn các mối quan hệ gia đình, xã hội, vì thế không thể không có nghề nghiệp, công việc ổn định giúp nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời cống hiến phần nào cho xã hội. Và dù làm nghề nghiệp, công việc gì cũng cần phải tinh chuyên và thiện xảo (khéo, giỏi, có chuyên môn, trình độ kỹ thuật cao), cần phải nhiệt tình, siêng năng, tháo vát; cần phải biết tính toán, có khả năng tự làm và hướng dẫn người khác làm. Nếu làm việc với quy mô lớn cần phải giỏi điều hành, quản lý. Như thế gọi là có đầy đủ sự tháo vát.
đã có được tài sản của cải bằng sự nỗ lực trong công việc, trong nghề nghiệp chân chính, người cư sĩ cần phải biết giữ gìn tài sản, của cải đó, không để cho tiêu tán, mất mát do vua quan chiếm đoạt, do trộm cướp, do bị nước trôi, lửa cháy, do bị vợ con phá tán. Tạo ra tài sản đã khó, gìn giữ, bảo hộ tài sản đó lại càng khó hơn. Được như vậy gọi là có đầy đủ sự phòng hộ.
Kế đến là đời sống đạo đức. Đời sống đạo đức cũng là một trong những điều cần phải quan tâm hàng đầu, bởi đó là nguồn cội của an vui, hạnh phúc, là yếu tố tạo sự bền vững cho đời sống người Phật tử tại gia. Về phương diện này, Đức Phật dạy người Phật tử tại gia phải biết làm bạn với thiện. Người Phật tử tại gia cần phải có lòng tin chân chính, có giới (những phẩm chất đạo đức), có trí tuệ và biết bố thí, làm những việc có ích cho nhân quần, xã hội. Khi xây dựng các mối quan hệ, người Phật tử cần tiếp xúc, gần gũi, làm bạn và hợp tác với những người đáng tin cậy, có nhân phẩm, đạo đức tốt, nếu những người đó có đầy đủ tín, giới, trí tuệ và biết bố thí, làm những việc có ích cho đời như mình thì càng hay.
Sống thăng bằng, điều hòa là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng đời sống an ổn, hạnh phúc lâu dài, bền vững. Về phương diện này Đức Phật dạy người Phật tử tại gia cần phải giữ cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần. Sự nghèo nàn về vật chất hay tinh thần, hoặc mất cân đối giữa vật chất và tinh thần đều dẫn đến những bất ổn trong đời sống. Còn một lãnh vực nữa cần phải có sự cân bằng, điều hòa, đó là các khoản thu và chi. Cần phải đảm bảo khoản thu lớn hơn khoản chi, cần phải tránh các khoản chi tiêu bừa bãi, vô tội vạ, không tiêu xài hoang phí nhưng cũng không keo kiết bỏn sẻn, sử dụng tài sản một cách hợp lý, có nghệ thuật.
Trong bài kinh trên, Đức Phật còn dạy thêm người cư sĩ Phật tử nên lưu ý “bốn cửa xuất” tài sản, khiến cho gia nghiệp sa sút, tiêu tán. Bốn cửa đó là: Đam mê đàn bà; đam mê rượu chè; đam mê cờ bạc; giao du với kẻ ác. “Bốn cửa xuất” tài sản này từ xưa đến nay người đời thường hay phạm phải.
Cũng kinh Tăng Chi Bộ ghi lại, trong một lần thuyết pháp cho cư sĩ Anàthapindika (Cấp Cô Độc), vị Phật tử thuần thành đồng thời là nhà ngoại hộ của Tăng đoàn, Đức Phật đã nói về bốn niềm vui của người cư sĩ. Những điều này hết sức gần gũi và thiết thực đối với những người sống đời sống thế tục. Đức Phật dạy:
“Có bốn niềm vui chính đáng mà người cư sĩ có thể thọ hưởng, thỉnh thoảng và tùy cơ hội, đó là: niềm vui có được của cải, niềm vui được giàu có, niềm vui không nợ nần và niềm vui không bị chê trách.
Thế nào là niềm vui có của cải? Ở đây, gia chủ có của cải nhờ phấn đấu tích cực, góp gom được bằng sức của bàn tay, bằng mồ hôi, đúng pháp, tích lũy được một cách đúng pháp, và có ý nghĩ: ‘Của cải này của tôi có được nhờ phấn đấu tích cực, tích lũy đúng pháp’. Do nghĩ thế, niềm vui và thỏa mãn đến với người đó. Đó là niềm vui có của cải.
Thế nào là niềm vui được giàu có? Ở đây, vị gia chủ được giàu có nhờ phấn đấu tích cực, vui vẻ nhờ giàu có và làm nhiều việc lành. Vì có ý nghĩ: ‘Nhờ giàu có mà có thể hưởng thụ sự giàu có và làm các việc lành’, cho nên niềm vui và sự thỏa mãn đến với người đó. Đó là niềm vui được giàu có.
Thế nào là niềm vui không có nợ nần? Ở đây, vị gia chủ không có nợ nần lớn hay nhỏ đối với bất cứ một ai. Vì có ý nghĩ: ‘Tôi không có nợ nần dù lớn hay nhỏ đối với bất cứ một ai’, cho nên niềm vui và sự thỏa mãn đến với người đó. Đó là niềm vui không có nợ nần.
Thế nào là niềm vui không bị chê trách? Ở đây, vị Thánh đệ tử có niềm vui vì các hành động của thân, miệng và ý đều không có gì đáng chê trách. Với ý nghĩ ‘Tôi không có gì đáng bị chê trách ở thân, miệng và ý’, cho nên niềm vui và sự thỏa mãn đến với người đó”.
Qua lời dạy của Đức Phật trong những bài kinh trên, người cư sĩ Phật tử thấy được đâu là nguồn gốc của những niềm vui mà người tại gia có thể có được, để từ đó khai thác và tạo dựng cho mình một đời sống hạnh phúc.
Về các mối tương quan với gia đình và xã hội, trong Trường Bộ kinh (tập II), kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Phật dạy người Phật tử tại gia cần thiết lập tốt các mối quan hệ như: quan hệ cha mẹ với con cái, quan hệ vợ chồng, quan hệ thầy trò, quan hệ giữa người giúp việc và chủ v.v.. Các mối quan hệ đều đem lại những trách nhiệm, bổn phận mà người Phật tử phải giữ gìn. Về bổn phận con cái đối với cha mẹ, Đức Phật dạy: Con phải phụng dưỡng cha mẹ; săn sóc, bảo bọc cha mẹ lúc tuổi già; giữ gìn danh dự và truyền thống gia đình; đỡ đần các việc nặng nhẹ cho cha mẹ; giữ gìn tài sản thừa tự. Bổn phận cha mẹ đối với con cái cần gìn giữ năm điều: Ngăn chặn con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy con nghề nghiệp, dựng vợ gả chồng cho con, trao của thừa tự cho con đúng thời.
Theo Tương Ưng Bộ kinh (tập V), chương XI, phẩm Phước đức sung mãn, Đức Phật dạy người Phật tử tại gia tuy sống đời sống thế tục nhưng tâm ý phải hướng thượng, bởi đó là nguồn cội của an vui, hạnh phúc trong đời này và đời sau. Phải là người quy y Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), thọ trì năm giới (không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh, không vọng ngữ, không dùng chất gây nghiện), có đầy đủ niềm tin chân chính, thanh tịnh, có trí tuệ và biết bố thí; đó mới thật sự là người cư sĩ Phật tử đúng nghĩa.
Với tâm từ bi vô lượng, Đức Phật đã tùy căn cơ trình độ của chúng sinh mà thuyết pháp giáo hóa; tùy nhu cầu, ước muốn mà giúp cho hàng xuất gia lẫn tại gia đều có được lợi lạc, tìm thấy nguồn an vui, hạnh phúc.■ „

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét