Bạn thuộc kiểu người nào trong Tây Du Ký?

Đây cũng là những tính cách điển hình của con người chúng ta trong xã hội. Bạn sẽ có thể khám phá con người mình thông qua các nét tính cách của bốn thầy trò Đường Tăng.
Tây Du Ký là bộ truyện của Ngô Thừa Ân được chuyển thể thành phim vô cùng nổi tiếng không chỉ riêng trong lịch sử Trung Hoa, mà hiện nay, nó vẫn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi gia đình Việt.
Câu chuyện kể về cuộc hành trình lấy chân kinh đầy gian khổ đến Tây Thiên – xứ sở Phật pháp của Đường Tam Tạng cùng ba đệ tử được ông thu nạp.




Thực tế, chỉ có nhân vật Đường Tăng là có thật trong lịch sử Trung Hoa thời nhà Đường. Từ xưa đến nay chưa có vị sư nào được ngưỡng mộ sùng bái bằng vị Thánh Tăng có một không hai này.
Ba đồ đệ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh là những nhân vật hư cấu. Họ được vẽ ra bởi trí tưởng tượng phong phú của tác giả Ngô Thừa Ân.
Nhưng những hình tượng nhân vật này không chỉ đơn giản là huyễn hoặc ảo diệu. Mỗi nhân vật là một tính cách khác nhau mà tác giả cố ý tạo dựng.
Đây cũng là những tính cách điển hình của con người trong xã hội. Bạn sẽ có thể khám phá bản thân mình thông qua các nét tính cách của bốn thầy trò Đường Tăng.

1. Đường Tam Tạng - đại diện cho tính cách cầu toàn

Đường Tăng là người nghiêm túc, cẩn thận, coi trọng chi tiết, hết mình theo đuổi chân lý. Ông có chí lớn, đó là dù một người một ngựa cũng sẵn sàng lên đường sang Tây Thiên thỉnh kinh. Ý chí lớn ấy đã thôi thúc lòng dũng cảm và quyết tâm.


Trên đường đi vướng mắc 81 kiếp nạn nhưng chưa một lần nào ông có ý định từ bỏ. Trong đoàn đi lấy kinh, Đường Tăng là người có con mắt nhìn xa trông rộng, không chịu bó tay trước khó khăn, có thể thống nhất được toàn thê các đồ đệ.
Đặc biệt, ông nghiêm túc trong từng suy nghĩ. Điều ông quan tâm không phải là làm nhanh như thế nào, mà là làm tốt như thế nào.
Cũng chính bởi những phẩm chất tốt đẹp như vậy mà ngay từ đầu ông đã được Bồ Tát tin tưởng giao cho trọng trách đi lấy chân kinh.
Giống như Đường Tăng, những người có tính cách cầu toàn thường có những suy nghĩ lớn lao, đôi mắt tinh tường biết nhìn xa trông rộng, có thể đứng ở tầm nhìn cao hơn để nhìn nhận vấn đề và biết nhìn người.
Họ có lối suy nghĩ của một nhà lãnh đạo và biết cách dùng người. Vì thế họ hoàn thành công việc một cách chỉnh chu, làm tốt đến từng chi tiết.
Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt. Những người cầu toàn sẽ luôn cố gắng không ngừng nghỉ để đạt được mong muốn bản thân. Và chỉ một lỗi nhỏ cũng khiến họ buồn và quá nghiêm khắc với bản thân.

2. Tôn Ngộ Không- đại diện cho tính cách mạnh mẽ


Tôn Ngộ Không là một trong những nhân vật được yêu mến nhất trong văn học Trung Hoa. Lý do là bởi Ngộ Không tài giỏi đến nỗi luôn khiến người khác phải ngưỡng mộ.
Trên đường đi lấy kinh, Ngộ Không luôn luôn lo chuyện trừ yêu diệt quái. Có thể nói, nếu không có Ngộ Không bảo vệ thì Đường Tăng không thể đến được Tây Thiên.
Những người có tính cách giống Tôn Ngộ Không cũng vậy, luôn là người tài giỏi, thông minh, luôn tràn đầy sức sống và vượt qua giới hạn bản thân. Họ có vai trò thiết yếu trong nhóm làm việc, là một phần rất lớn để tạo nên thành công.
Tuy nhiên cũng bởi có tài nên họ thường áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác và có thói quen ra lệnh. Họ lạnh lùng không để ý đến cảm giác của người xung quanh và chỉ chú ý đến kết quả công việc.

3. Trư Bát Giới – đại diện cho tính cách sôi nổi


Nhân vật Bát Giới được nhận xét là sống động và thú vị nhất Tây Du Ký. Ở bát Giới hội tụ cả lười biếng, ích kỷ, tham ăn, háo sắc, nhưng lại vui tính, có tình nghĩa, lương thiện, biết dịu dàng với phụ nữ.
Đây là mẫu người khá thực dụng, chỉ thích hưởng sung sướng sống an nhàn mà không muốn làm.
Tuy nhiên họ là người vui vẻ luôn mang lại tiếng cười cho mọi người xung quanh. Lối suy nghĩ của họ đơn giản, cách sống lạc quan, tinh thần lúc nào cũng thoải mái không phiền muộn, luôn tìm thấy niềm vui trong công việc.
Thế nên họ luôn mang lại cảm giác thoải mái cho mọi người và cũng được nhiều người yêu quý.
Nhưng nếu họ cứ mãi trẻ con không trưởng thành thì khó có thể đối mặt được với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

4. Sa Ngộ Tĩnh – đại diện cho tính cách ôn hòa


Nếu bạn để ý sẽ thấy khi gặp chuyện, Đường Tăng thì suy nghĩ, Ngộ Không đấm đá lăn lộn với việc trừ yêu, Bát Giới cười nói hay quát tháo thì Sa Tăng luôn tỏ ra bình thản.
Đây là kiểu người luôn biết bình tĩnh và điều khiển cảm xúc, thái độ trong mọi tình huống, mọi sự việc.
Đặc biệt khiến người khác ngưỡng mộ đó là luôn điềm tĩnh trước mọi sóng gió. Và từ đó, có thể nhẫn nại đối phó với những thứ phức tạp.
Họ luôn là bạn tốt của mọi người bởi sự ôn hòa trong họ tạo nên mối quan hệ tốt đẹp và vì họ không muốn thể hiện bản thân, không muốn nổi trội hơn người khác.
Điểm trừ của họ đó là người không biết thể hiện cá tính của mình, không đưa ra được chính kiến và không thuyết phục được người khác. Thậm chí họ còn rất ba phải.
Vậy bạn đã hiểu mình là người thuộc nhóm tính cách nào chưa? Bạn có biết mình là nhân vật nào trong Tây Du Ký không?



Nếu bạn là nhân vật Đường Tam Tạng với tính cách cầu toàn, thì bạn thực sự là người có nhiều ý chí, lòng quyết tâm và có tài lãnh đạo và dùng người.
Tuy nhiên bạn nên bớt nhạy cảm với lỗi lầm để tìm thấy nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống.
Nếu bạn là nhân vật Tôn Ngộ Không với tính cách mạnh mẽ, thì bạn là người rất giỏi giang và luôn hết mình vì “mục tiêu và kết quả”.
Tuy nhiên, bạn nên biết để ý đến suy nghĩ, cảm giác của mọi người xung quanh hơn. Hãy tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp chứ không nên nóng nảy làm theo ý mình.
Nếu bạn là nhân vật Trư Bát Giới với tính cách sôi nổi và thực dụng, bạn sẽ luôn phải đối mặt với những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống như là tiền bạc, sắc dục.
Bạn luôn khiến người khác vui vẻ bởi tính cách trẻ con của bạn. Tuy nhiên bạn nên đặt ra mục tiêu và hoàn thành nó chứ không nên hời hợt hay lười biếng.
Nếu bạn là nhân vật Sa Ngộ Tĩnh với kiểu tính cách ôn hòa, thì bạn là người quản lý cảm xúc khá tốt. Tuy nhiên, bạn không có lập trường riêng và đó có thể là lý do khiến bạn thất bại, hoặc mãi không thể thành công được.

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét