ĐỜI SỐNG TÂM LINH VÀ ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT

Nhiều người nghĩ lầm rằng đời sống tâm linh, hoặc đời sống tôn giáo, là ở đâu đó tận trên mấy tầng trời; còn đời sống thường nhật của ta thì rất trần tục, tầm thường. Người ta cũng thường nghĩ: Để trở thành một người thiên về tâm linh, ta phải từ bỏ đời sống hàng ngày, để đi vào một đời sống khác, một cảnh giới khác đặc biệt hơn.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói: “Bạn đi trên mặt đất hay trên nước cũng không có gì quan trọng. Điều thật sự kỳ diệu là bạn bước đi trên trái đất này.” Đúng vậy. Nói cách khác, trở thành một con người tốt đẹp có lẽ là điều kỳ diệu nhất mà chúng sinh có thể làm.
Có lần tôi giảng Pháp tại một trường ở Hong Kong. Một đứa bé hỏi tôi: “Ngài có thể dùng tâm linh để bẻ cong cái muỗng không?” Đứa khác lại hỏi: “Thượng đế có bao giờ nói chuyện với Ngài không?” Và chúng rất thất vọng khi câu trả lời của tôi là “Không”. Tôi giải thích, điều tuyệt vời nhất trên đời đó là được làm một con người. Nếu các bạn có thần thông nhưng thiếu đạo đức, thì thần thông đó cũng vô dụng thôi, thậm chí có thể gây bất lợi, vì người ta sẽ rất bối rối nếu tất cả những chiếc muỗng của họ đều bị cong!
Khi thức dậy
Làm thế nào tập luyện để có được một trái tim nhân ái? Thật vô ích nếu chúng ta chỉ nói với nhau rằng ta nên như thế này, hay thế kia. Cứ bắt buộc mình “nên” như thế, mình sẽ có mặc cảm tội lỗi, bởi mình sẽ không bao giờ được như mình nghĩ. Chúng ta cần biết cách thay đổi nơi tâm mình. Nói cách khác, ta phải hiểu được những bất lợi của tính tự tôn. Ta phải thực sự muốn mình có được một trái tim nhân ái, chứ không chỉ nghĩ mình nên có nó. Buổi sáng, bạn vừa thức dậy, trước khi ra khỏi giường, trước khi bạn nghĩ mình sẽ ăn gì hôm nay, hay kẻ điên nào mình sẽ gặp ở công ty, thay vì vậy, thì ta nên bắt đầu một ngày bằng suy nghĩ: “Hôm nay, tôi sẽ không làm hại ai, càng nhiều càng tốt. Hôm nay, tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ người khác, càng nhiều càng tốt. Hôm nay, tôi sẽ làm tất cả những gì để người khác được hạnh phúc và tỉnh thức.”
Đặt ra một động cơ tích cực cho việc làm đầu tiên trong ngày, điều đó rất lợi ích. Khi ta vừa thức dậy, tâm ta rất tinh tế. Nếu vào thời điểm đó ta có động cơ rất tích cực, nó sẽ ảnh hưởng đến ta suốt ngày. Sau khi đặt ra mục tiêu, chúng ta xuống giường, rửa mặt, uống trà, và thiền định hoặc cầu nguyện. Khởi đầu một ngày như vậy, chúng ta đã tự tiếp xúc với mình, và trở thành một người bạn của chính mình, bởi ta trân quý những phẩm chất tốt đẹp đó và tự bắt mình phải làm theo nó.
Có thời gian thiền định mỗi ngày
Việc này đôi khi cũng khó. Nhưng chúng ta lại có thời gian để xem TV mỗi ngày. Chúng ta có thời gian đi mua sắm. Chúng ta cũng có thời gian ăn một miếng bánh trong tủ lạnh. Vậy thì sao trong vòng 24 giờ đó, ta lại không có thời gian để ngồi thiền? Khi chúng ta hiểu cái giá trị và ảnh hưởng của việc thực hành tâm linh, lúc đó nó sẽ là ưu tiên trong đời sống. Và khi cái gì đã là quan trọng, chúng ta sẽ dành thời gian cho nó. Như vậy, phải thiền định mỗi sáng, khoảng từ 15 đến 30 phút. Làm như thế, chúng ta bỏ ra 15 hay 30 phút buổi tối hôm trước, và có thể đi ngủ sớm hơn. Cũng như vậy, ta luôn có thời gian để ăn vì ăn nuôi dưỡng thân thể, và ta có thời gian thiền định và cầu nguyện vì những việc đó nuôi dưỡng tâm linh của ta. Khi chúng ta tự tôn trọng đời sống tâm linh của mình, chúng ta sẽ tự tôn trọng chính mình là một chúng sinh. Tự nuôi dưỡng chúng ta theo cách đó là điều ưu tiên hàng đầu.
Thiền định buổi sáng
Buổi sáng, bắt đầu thiền định, với những lời cầu nguyện, với mục đích giúp tha nhân. Ngồi yên lặng, cảm thấy hơi thở ra vào trong một lúc, và biết rằng chính hơi thở đang nuôi dưỡng ta. Chỉ nơi đây, bây giờ, với hơi thở; không suy nghĩ, lo lắng lan man. Bạn có thể tụng chú Quán Âm Bồ-tát hoặc tụng kinh Phật. Nhớ lại những lời Phật dạy và những tấm gương của Đức Phật sẽ giúp ta thực hiện được theo lời dạy của Ngài, học hỏi lòng từ bi, trí tuệ của Ngài đem vào ứng xử trong đời sống hàng ngày của ta. Hoặc bạn có thể áp dụng thiền phân tích, suy nghĩ về ý nghĩa của một lời dạy nào đó của Đức Phật, và áp dụng nó vào đời sống của bạn. Điều này cũng hướng dẫn năng lực của bạn theo một hướng đi rất tích cực.
Có người nói: “Tôi có con. Làm sao tôi có thể ngồi thiền hay tụng kinh vào buổi sáng khi các con đang cần sự chăm sóc của tôi?” Bạn có thể thức dậy sớm hơn con bạn. Hoặc bạn bảo các con hãy cùng ngồi thiền. khi tôi ở nhà anh trai, cháu gái tôi khoảng 6, 7 tuổi, thường đến phòng tôi vì cô cháu tôi dậy sớm nhất nhà. Khi tôi đang tụng kinh hay thiền định, tôi giải thích với cháu rằng đây là lúc cô phải yên lặng và cháu không được quầy rầy cô. Thế là cô bé ngồi vào bàn và bắt đầu vẽ một cái gì đó. Có khi, cháu cũng ngồi vào lòng tôi. Cũng có lúc cháu bắt tôi phải hát một hai bài. Thế là tôi bèn lớn tiếng tụng kinh. Cháu thật sự thích thú và không quấy rầy tôi nữa.
Trẻ nhỏ mà thấy cha mẹ ngồi yên lặng và điềm nhiên thì tốt lắm. Điều đó khiến chúng nghĩ là chúng cũng làm như thế được. Nếu cha mẹ luôn bận rộn, đi lại khắp nơi, nói điện thoại, căng thẳng, hoặc ngồi thừ ra trước TV, các con của họ sẽ giống hệt thế. Bạn có muốn điều đó không? Nếu bạn muốn trẻ học một thái độ hay cách cư xử nào đó, bạn phải thể hiện điều đó trước. Nếu không, làm sao trẻ học theo được? Nếu bạn chăm lo cho trẻ, thì trước tiên bạn phải tự chăm lo cho mình, cũng như phải chánh niệm về cách sống khỏe mạnh và quân bình, vì lợi ích của trẻ cũng như của bạn.
Thực hành Chánh pháp nơi làm việc
Chúng ta hãy trở lại việc tu tập mỗi ngày. Sau khi thiền định buổi sáng, dùng điểm tâm và chuẩn bị đi làm. Bạn định thực hành Pháp ở nơi làm việc thế nào? Trước hết, cố gắng dặn lòng phải thực hành điều mà sáng nay ta đã tự nhủ: Có một trái tim bác ái và một động cơ tích cực. Suốt cả ngày, hãy luôn nhắc nhở mình rằng: Tôi sẽ không làm hại ai. Tôi sẽ giúp đỡ mọi người. Tôi sẽ làm tất cả để mọi người và tôi được sung sướng và tỉnh thức. Bạn có thể dùng một sự kiện thường xảy ra để luôn nhắc nhở mình nhớ đến những lời này. Ví dụ: Mỗi khi tôi ngừng đèn đỏ, thay vì nổi nóng và nghĩ: ‘Sao cứ đèn đỏ hoài? Tôi đi làm trễ rồi!’, thì hãy nghĩ: ‘Hôm nay, tôi muốn dành một trái tim nhân ái cho mọi người.’
Như vậy đèn đỏ là những cơ hội để tôi nhớ đến một trái tim nhân ái. Khi điện thoại reo, thay vì chạy nhanh lại để nghe, thì hãy nghĩ trước như thế này: ‘Tôi có thể giúp được người đang gọi điện thoại”, rồi mới trả lời. Một người bạn của tôi kể, bạn ấy thường nghĩ đến trái tim nhân ái mỗi khi các con gọi: ‘Mẹ ơi! Mẹ ơi!’ Vì chuyện này xảy ra suốt ngày, nên giờ đây cô bạn ấy đã quen với trái tim nhân ái, đồng thời cũng rất kiên nhẫn đối với con cái.
Suốt cả ngày, hãy cố gắng biết bạn đang suy nghĩ gì, cảm thấy gì, nói gì và làm gì, hơn là sống một cách “vô ý thức”. Khi chúng ta sống vô ý thức, chúng ta đi qua cuộc đời bằng những phản ứng tự nhiên với mọi việc, mà không bao giờ chiêm nghiệm được cuộc đời muốn nói lên cái gì. Đó là lý do vì sao chúng ta luôn cảm thấy không tự hiểu mình, mình xa lạ với chính mình. Ví dụ: Bạn lên xe đi đến chỗ làm. Khi bạn đến chỗ làm, một người hỏi bạn: “Bạn đã nghĩ gì trong suốt nửa giờ lái xe đến nơi làm việc?”, bạn chắc chắn không trả lời được. Chúng ta không hề biết được cái gì đang xảy ra bên trong chúng ta. Nhưng có rất nhiều cái đang xảy ra bên trong, và nó ảnh hưởng đến cảm giác của ta, đến mối liên hệ của ta với mọi người.

Ni sư Thubten Chodron | Thủy Ngọc (dịch)
Trích từ "The Path To Happiness" - Thubten Chodron

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét