Đầu xuân đọc Sơn viên tiểu mai

Hoa mai – biểu tượng của mùa Xuân – đã được thi nhân bao thế hệ ngâm vịnh ngợi ca. tai Trung Quốc, mai được xem là một trong “thập đại danh hoa”. Cùng với tùng và trúc, mai thường được người xưa đem sánh với tiết tháo của người quân tử, vì luôn xanh ngát giữa những ngày đông.
Trong nền văn học cổ Việt Nam, Thiền sư Mãn Giác (1052-1096), một thiền sư thuộc phái Vô Ngôn Thông Việt Nam, có lẽ là người làm thơ về hoa mai sớm nhất, được chép lại trong Thiền uyển tập anh:


Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Xuân về, hoa tươi thắm
Xuân đi, hoa rụng dần
Chuyện đời lướt qua mắt
Tóc bạc theo tháng năm
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Nhành mai đêm trước nở ngoài sân
)

Cao Bá Quát đã từng thốt “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Một đời chỉ cuối đầu trước hoa mai). Nhưng bài thơ cực tả được phong vận của hoa mai được truyền tụng thiên cổ, có lẽ chỉ là bài “Sơn viên tiểu mai” (cánh mai nhỏ trong khu vườn núi) của Lâm Bô
Lâm Bô 林逋(967-1028) tự Quân Phục, người đất Tiền Đường (nay là thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang). Từ lúc tuổi trẻ, ông đã không muốn rong ruổi với đời, sau lui về ẩn cư ở Tây Hồ xứ Hàng Châu, nên còn có biệt hiệu là Tây Hồ xử sĩ. Thiên “Ẩn dật truyện” trong Tống sử mô tả ông:
“Tình tình cao khiết, điềm đạm mà hiếu cổ, không muốn bon chen vào chốn phù hoa. Nhà nghèo, ăn mặc đều không được đầy đủ, nhưng vẫn luôn vui vẻ tự như…Ông về Hàng Châu, kết lều tranh tại cô Sơn bên Tây Hồ. Hai mươi năm không đặt chân ra ngoài phố chợ” (Tính điềm đạm hiếu cổ, phất xu vinh lợi, Gia bần y thực bất túc, yến như dã…Qui Hàng Châu, kết lô Tây Hồ chi Cô Sơn, nhị thập niên túc bất cập thành thị).
Ông trồng mai nuôi hạc, thường đùa là “lấy mai làm vợ, lấy hạc làm con” (dĩ mai vi thê, dĩ hạc vi tử). danh tiếng cao khiết của ông dội khắp thiên hạ, biết bao cao sĩ danh tăng đến xin yết kiến. Ông cùng với các danh sĩ như Phạm Trọng Yêm, Mai Nghiêu Thần, Cửu Tăng thường cùng nhau xướng họa.
Lâm Bô suốt đời sống thanh bạch, mất năm 62 tuổi, được phong tên thụy là Hòa Tính tiên sinh. Danh thần trong triều Tống Nhân Tông là Từ Tính, lúc thiếu thời có duyên đến Hàng Châu gặp được Lâm Bô, vì quá hâm mộ cao phong của ông, nên mới đổi tên là “Tính”. Thơ ông phần lớn đều bị thất lạc, người sau gom được khoảng 300 bài. Thơ ông thường vịnh cảnh Tây Hồ, nhưng được truyền tụng thiên cổ vẫn là bài “Mai hoa”.
Mộ của ông nằm ở Cô Sơn, phía đông Phóng Hạc đình, nhìn ra Tây Hồ. Hàng năm, những thi nhân khắp Trung Quốc vẫn thường về viếng mộ. Giá trị nhân bản của một thi nhân đích thực, trọn đời sống ẩn dật không giao thiệp với đời, đã được lịch sử sàng lọc để trở thành bất tử, mà không cần có sự can thiệp của bất kỳ thế lực nào. Chỉ khi nào nhân cách thanh cao của những người áo vải ẩn cư như thế được xã hội thực sự trân trọng, thì đạo lý của thế tục mới có thể được cứu vãn khỏi nguy cơ bị suy đồi.
Có lẽ nói đến Tây Hồ là nói đến hoa mai, và nói đến hoa mai ở Tây Hồ là nói đến ngọn Cô Sơn, nên trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung đã dựa vào phong cảnh Tây Hồ để bố trí nên tòa Cô Sơn Mai Trang của nhóm Giang Nam tứ hữu, làm nơi giam cầm cựu giáo chủ Triêu dương thần giáo là Nhậm Ngã Hành. Bốn nhân vật tài hoa này thoái ẩn giang hồ để làm người canh giữ tên trọng phạm giữa phong cảnh thơ mộng xứ Hàng Châu.

Xin mời các bạn thưởng thức toàn bộ bài “Sơn viên tiểu mai”của Lâm Bô

Chúng phương dao lạc độc huyên nghiên,
Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên
Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiền,
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.
Sương cầm dục há tiên thâu nhãn,
Phấn điệp như tri hợp đoạn hồn
Hạnh hữu vi ngâm khả tương hiệp,
Bất tu đàn bản cộng kim tôn


Bài thơ này trong “Tống thi ký sự”có tựa đề là “Mai hoa”, còn trong bản in “Trùng bản Lâm Hòa Tính tiên sinh thi tập” thuộc “Tứ bộ tùng san” thì có tựa đề là “Sơn viên tiểu mai” (Cánh mai nhỏ trong khu vườn núi).
Tạm dịch: Khi tất cả các loài hoa thơm khác đều rụng cả thì riêng hoa mai vẫn còn xinh đẹp lộng lẫy. Trong khu vườn nhỏ, hoa mai độc chiếm tất cả vẻ xinh tươi của cảnh vật.
Bóng cành mai thưa đậm nghiêng nghiêng trên dòng nước trong và cạn. Mùi hương thoang thoảng lan tỏa trong bóng hoàng hôn.
Cánh chim bay trong sương chiều muốn hạ cánh nhưng còn e ngại. Cành bướm như hay biết, làm hồn người thêm say đắm ngẩn ngơ.
Thật may sao, ta cứ khẽ ngâm thơ để tự vui, đâu cần đến tiếng đàn ca cùng chén rượu nồng.
Cánh chim trong sương-sương cầm-chỉ loài bạch hạc vẫn thường về sống cùng ẩn sĩ trong cảnh “mai thê hạc tử”. Chữ “thâu nhãn”rất là đạt, chỉ thái dộ ngập ngừng, vừa muốn nhìn nhưng lại e ngại không dám nhìn.
Đàn bản là phách gõ làm bằng gỗ đàn hương, dùng để đánh nhịp khi ca, Kim tôn nghĩa đen là chén bằng vàng, nhưng trong thơ Trung Quốc thường dùng để chỉ chén uống rượu chạm khắc tinh xảo. Lòng đã có sở đắc thì luôn vui vẻ tự như, không cần đến nhạc đến rượu mà hồn vẫn lâng lâng thoát tục.
Bài thơ này được lưu truyền là nhờ ở hai câu thực, tả được thần thái tình kỳ và cốt cách tú lệ của hoa mai, biểu lộ được vẻ cao khiết đoan trang, u nùng tuyệt diễm, khiến thi gia bao nhiêu thế hệ không ngớt lời xưng tụng.

Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiền,
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.
(Nước soi nghiêng bóng mai gầy
Dưới trăng, hương nhẹ thoảng bay trong chiều)

Hình ảnh nhánh mai gầy đâm nghiêng trên dòng nước cực tả được vẻ thanh kỳ phiêu dật của hồn mai. Sắc không ồn ào, hương không ngào ngạt, chỉ thoang thoảng một làn u hương giữa bóng chiều yên tĩnh. Sắc hoa mai ai cũng cảm nhận, nhưng hương thì dường như mai chỉ dành cho những bậc cao sĩ rong chơi ngoài cõi tục. Chỉ những tấm lòng không bợn bụi trần mới cảm nhận được mùi hương thoang thoảng kỳ diệu kia, trong ánh trăng lên giữa bóng chiều hôm:
Thơ nhà Nam Đường thời Ngũ Đại có câu “Trúc ảnh hoàng tà thủy thanh thiển, Giai hương phù động nguyệt hoàng hôn”là lấy ý của câu này.
Hai câu thực của bài được người sau đúc kết lại thành một câu “ám hương phù động ảnh hoàng tà”quả là diệu bút, lột tả được trọn vẹn dáng vẻ và tinh thần của hoa mai! Hương bay thoảng nhẹ, bóng nghiêng nhánh gầy. Tính hàm súc của thi ca đã được nâng lên cảnh giới thượng thừa.
Bóng thưa, nhánh gầy đó là phần hồn nhã đạm; cành đâm nghiêng, đó là phong thái phiêu nhiên. Dùng làn nước trong mà nông soi chiếu bóng mai gầy, là để tạo thêm sự tương phản về vẻ yêu kiều tha thướt. Hương ngầm, đó là tư chất ẩn dật, lan bay thoang thoảng đó là phong vận thanh kỳ. Dùng ánh trăng lúc hoàng hôn để làm nổi bật thêm mùi hương càng tăng thêm vẻ đạm nhiên thoát tục. Mai quả đúng như phong vận của ẩn sĩ Tây Hồ: có ngạo cốt mà không có ngạo tâm! Trương Trào trong U mộng bào ảnh: “Ngạo cốt không nên thiếu, mà ngạo tâm thì không nên có; không có ngạo cốt thì gần với hạng người thô bỉ, mang ngạo tâm thì không thể làm bậc quân tử được”. (Ngạo cốt bất khả vô, ngạo tâm bất khả hữu. Vô ngạo cốt tắc cận u bỉ phu, hữu ngạo tâm bất đắc vi quân tử),
Mang tài hoa ẩn dật lánh đời thì ít nhiều đã mang ngạo cốt; nhưng sống đạm nhiên thanh bạch, không cốt cầu tiếng với đời, đó là không có ngạo tâm. Mai được gọi là hoa cao ngạo, khi bao nhiêu loài hoa cỏ đều tàn tạ thì riêng mai vẫn kiêu hãnh giữa trời đông, đó là ngạo cốt; nhưng dáng mai vẫn thướt tha, hoa mai vẫn thanh kỳ tú lệ, đó là không có ngạo tâm.
Âu Dương Tu bảo: “Đời trước rất nhiều người tả hoa mai, nhưng chưa có ai được câu này” (Tiền thế vịnh mai giả đa hỷ, vị hữu thử cú dã). Tư Mã Quang trong Ôn công thi thoại khen rằng “Khúc này cực tả được thần thái của cây mai” (Khúc tận mai chi thần thái).
Nguyễn Trãi có hai câu thơ vô cùng man mác cũng mang âm hưởng của Lâm Bô:

Quét trúc, bước qua lòng suối
Thưởng mai, về đạp bóng trăng
(Ngôn chí 15)

Tô Thúc trong bài “Thư Lâm Bô thi hậu”khen rằng “Tiên sinh khả thị tuyệt luân nhân, Thần thanh cốt lãnh vô trần tục”(Tiên sinhquả là người tuyệt luân, thần thái thanh khiết, cốt cách đạm nhiên, không vấy một chút trần tục).
Chỉ có tấm lòng cao khiết thoát tục như Lâm Bô, cùng với mối tình gắn liền với cây mai như kẻ tri âm thì mới có được những câu thơ mang cốt cách thần tiên đến vậy. Trương Trào trong U mộng ảnh cho rằng: “Mai lấy Hòa Tính làm tri kỷ” (Mai dĩ Hòa Tính vi tri kỷ), lời đó quả không sai.
Ngày xuân, sắc mai vàng nở rộ, nhưng có mấy ai có thể cùng Lâm Bô, cảm nhận được phần hồn sâu lắng trong một cánh hoa mai?■


Huỳnh Ngọc Chiến

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 72-73

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét