Thư gửi một người quen

Lâu nay có một anh cư sĩ ngoài giờ làm việc kiếm sống vẫn lặng lẽ dành thời gian nghiên cứu kinh sách. Anh giỏi tiếng Pháp và Tây Ban Nha, tiếng Anh khỏi nói (bởi anh có bằng đại học Mỹ). Anh đọc mấy tài liệu Phật học ngoại ngữ rồi chép lại bằng tiếng Việt những gì thấy tâm đắc. Anh nói sợ mang tiếng Dịch Giả. Chiều nay anh gửi một email cho tôi, hỏi một câu thiệt khó trả lời: Người dịch kinh Phật cần trang bị những gì ?
Tôi trả lời bằng email nên anh không thấy được cái nhíu mày băn khoăn của tôi. Tôi nói lẽ ra anh phải đi hỏi mấy thầy có bằng tiến sĩ, có những công trình phiên dịch đem cân ký không hết, sao lại hỏi một người tay ngang như tôi. Nhưng không nói gì hết thì cũng kẹt quá.
Tôi loay hoay một lát rồi hồi âm cho anh bằng một email cũn cỡn. Tôi thưa với anh mấy điều mình cho là quan trọng trong việc dịch sách Phật, dĩ nhiên chỉ là theo chỗ thấy biết chủ quan.
-Mình là người Việt, muốn nói hay viết nghiêm túc bắt buộc phải có căn bản tiếng Việt. Ngoài khả năng cảm nhận cái hồn Việt (nắm bắt được cách biểu cảm hiệu quả), còn cần đến nhiều hỗ trợ khác, chẳng hạn khả năng chữ Hán. Ta có thể không giỏi nhưng không thể mù tịt hoặc lan man ở mức Chi, Hồ, Dã, Giả. Dốt chữ Hán, tôi muốn nói Hán cổ, thì khả năng tu từ dứt khoát có vấn đề. Có đọc sách của HT Tuệ Sỹ, HT Viên Minh, HT Triều Tâm Ảnh hay các ông Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Đỗ Long Vân,...ta sẽ thấy ngay điểm này. Ngôn ngữ họ dùng là tiếng Việt đó chứ, nhưng đẹp và hiệu quả hơn nhiều tay khác cũng tiếng tăm chẳng kém. Có những khái niệm tạm thời còn chưa phổ biến với người Việt nên chưa có chữ sẵn trong tự điển tiếng Việt, hoặc có rồi mà chưa rốt ráo, thế là người biết chữ Hán lại phải ra tay mấy chỗ này. Chữ đó mình chế ra mà ai đọc hay nghe qua cũng hiểu và bị thuyết phục. Đó là lý do cho gạch đầu dòng đầu tiên của tôi: Người Việt phải chấp nhận biết chữ Hán, như người Âu Mỹ biết tiếng Hi Lạp, La Tinh để khi cần có thể chế ra từ mới mà dùng. Mấy vụ này phải học ở người Nhật, khi họ lấy chữ Hán của Tàu làm ra những từ Nhật gốc Hán đẹp kinh khủng.
-Công cụ thứ hai của người Việt dịch sách Phật là kiến thức giáo lý. Anh nói với tôi là anh có thể đọc hiểu chục thứ tiếng, nhưng một khi kiến thức Phat học của anh nghèo rớt mồng tơi, chất không đầy lá me, thì vốn liếng ngoại ngữ của anh chắc chắn sẽ gặp vấn đề. Anh sẽ phải dịch theo cách ôm tự điển, kiểu học trò trung học vẫn làm.
Một khi anh không có được căn bản giáo lý, ngôn ngữ của anh sẽ thiếu Phật Chất. Thiếu giáo lý, anh không đủ năng lượng đạo lực để chia sẻ cho người nghe anh, đọc anh. Tin tôi đi, một ông tiến sĩ cái gì cũng giỏi nhưng thiếu Phật học thì một đoạn kinh Phật do ông nầy dịch sẽ không có được sự lan tỏa cần thiết của một trang kinh Phật. Đụng đến anh thì anh chỉ biết ôm một chồng từ điển ra gào thét thì chỉ làm khổ thiên hạ.
Người có nghe liếc qua bản dịch của anh sẽ thấy ngay chỗ khuyết tật của anh. Người đọc có hiểu biết có thể im lặng không nói gì, nhưng từ rày có chết họ cũng khó lòng để mắt đến cái gọi là bản dịch của anh. Lý do ư ? Đọc để làm gì chứ, để bực mình à ? Chưa kể trường hợp đáng tiếc nhất là ngôn ngữ tàn khuyết trong cuốn kinh anh dịch sẽ khiến người chưa biết đạo đánh mất hảo cảm nên có đối với kinh Phật. Dĩ nhiên đó là thái độ hấp tấp, nhưng thiên hạ vẫn không ít người lười biếng tìm hiểu. Ấn tượng ban đầu không đẹp thì người ta bỏ luôn. Trường hợp này, cái dốt của anh lẽ ra là vô tội lại có lỗi lớn với đạo. Nói gọn lại, anh phải có kiến thức chuyên môn về thứ anh dịch, chỉ biết đọc hiểu ngoại ngữ tuyệt đối chưa đủ làm ăn gì cả.
--Cái thứ ba, không nên gọi là công cụ nhưng cũng có tác dụng tương đương và tuyệt không thể thiếu. Đó là tâm hồn học thuật. Học là phải bằng lòng cầu tiến, ai cũng phải thấy chỗ dở của mình để bỏ và thấy cái hay của người để học. Cái bậy nhất trong học thuật (dĩ nhiên gồm cả chuyện dịch thuật) là chỉ chấp nhận cái mình thích, mà gần trăm phần trăm là cái gì mơn trớn cái tôi của mình.
Và sau cùng, điều đại kỵ trong học thuật là sự dè bĩu người khác. Thái độ khen mình chê người xét về đời hay đạo đều hình như không đẹp. Hãy chứng minh cái hay của mình, đừng làm gì khác, nếu muốn tìm kiếm fan ủng hộ. Và nếu mình tào lao mà vẫn có fan thì xin đọc lại lời này trong kinh Koran: Không gì nhục nhã bằng sự tán thưởng của một đám đông thiếu suy nghĩ.
Tôi chỉ gửi anh hai điều mà mình có thể nghĩ ra lúc này để trả lời anh. Viết lễ phép như có thể. Vậy mà đầu hôm, anh gửi một email thế này:
-Không hiểu sao cứ có cảm giác là bị sư mắng. Tự nhiên thấy nhột cả người, đỏ rần cả mặt như bị kể tội. Kiểu này có lẽ giải nghệ luôn, về dịch sách cho riêng mình đọc.
Tôi hết cách can gián, dọa trong hai tiếng đồng hồ nếu anh không đổi ý sẽ post bài viết này lên FB. Không ngờ anh hồi âm lập tức: Nếu sư tin mình nói đúng và không sợ bị chúng chửi, xin cứ post bài. Xét phản ứng của thiên hạ trên đó, dù im lặng cả đám hay lên tiếng kiểu nào đi nữa, con sẽ tặng sư cái vé máy bay đi Mallorca để rửa tai nghe chuyện đời.
Tôi yêu Mallorca hơn người ta có thể tưởng, thế là...

Toại Khanh, 7/12/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét