THÂN GIÁO

Thuở xưa có một nhà sư sống ẩn dật tại một triền núi được mọi người xem là đạo cao đức trọng. Một hôm, nhà sư phải tiếp một bà lão cùng cậu con trai của bà. Bà lão thưa:
- Bạch sư, thằng bé này mắc phải cái tật là ưa sưu tầm hoa kiểng. Nó đã làm cho tôi tốn hao không biết bao nhiêu là tiền của trong cái thời củi quế gạo châu nầy. Xin sư làm ơn chữa trị hoặc răn dạy giùm kẻo tội nghiệp cho tôi vùng vợ con nó.
Nhà sư ngẫm nghĩ giây lâu rồi nói:


- Bà hãy dắt nó về, độ nửa tháng sau trở lại tôi sẽ giúp cho.
Bà lão y lời đến ngày hẹn, nhà sư chỉ thốt một câu đơn giản:
- Ðó là một thú vui hao tài tốn của, con hãy bỏ đi, để tiền mà thờ mẹ, nuôi con.
Bà lão bất bình:
- Tưởng thầy có phương cách gì, té ra chỉ bao nhiêu lời đó. Thế sao thầy không làm ơn nói dùm ngay bữa trước mà còn hẹn đến hôm nay. Ðường sá xa xôi biết là bao !
Nhà sư mĩm cười:
- Chẳng dấu gì bà, tôi cũng mắc phải cái tật như cậu nhà đây. Nửa tháng gia hạn là thời gian tối thiểu để tôi bỏ cái cố tật đó. Nay mọi việc đã xong xuôi, tôi mới dám mở miệng khuyên can cậu em nầy.
Chàng trai từ đó ăn ở rất vừa lòng mẹ.
- Bạn thân mến,
Trong một quyển kinh A Hàm, đức Phật đã giải thích vì sao mà Ngài được gọi là Như Lai:
"Như Lai là làm sao thì nói vậy; nói sao thì làm vậy.
Lời nói và việc làm đi đôi với nhau nên gọi là Như Lai".
Và chúng ta có thể gọi vị sư nầy là Như Lai theo nghĩa ấy.
Người xưa, có thể chỉ với một câu nói giản dị mà cảm hoá được lòng người là do thân giáo. Còn chúng ta nói ra rả suốt ngày mà chẳng ai chịu nghe vì miệng nói một đàng mà hành động một nẻo, chứ không phải tại chúng sanh đời mạt pháp cang cường khó dạy đâu!

FB TTTuệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét