Tình Người

Lời Tác giả: Đây là chuyện thật của một người, nhờ tôi viết lại.



Tôi nằm đu đưa trên chiếc võng giăng giữa hai hàng mít, chồng tôi đang phủ lưới cây nhãn ngoài kia, anh đề nghị sẽ phủ lưới tất cả các loại cây trái trong vườn nhà, mình ăn 3 phần và còn một phần cho lũ chim thưởng thức.


Điện thoại vang, tiếng reo vui của ba đứa con báo tin vài hôm nữa sẽ về ăn Noel cùng chúng tôi.
- Anh ơi! Phủ lưới cây xong, vợ chồng mình đi chợ nha anh.
- Sao em đi chợ hoài vậy? Em lái xe đi một mình được không?
- Dĩ nhiên là được, nhưng em phải mua thêm nhiều thức ăn và các đồ cần dùng để chờ đón các con mà, anh đi chung cho em ý kiến.
- Ừ, đợi anh làm xong đã, lúc nào em cũng hỏi ý kiến.
Tôi nhắm mắt và lắng lòng thưởng thức giai điệu lũ chim đang hòa âm trong vườn nhà trên những hàng cây. Chúng tôi, hai vợ chồng già mới dọn về đây trú ngụ cũng gần một năm rồi, ở tiểu bang nắng ấm của nước Mỹ văn minh, tổ ấm này được chuẩn bị lâu nay với khu vườn rộng trồng đủ loại cây ăn trái sau nhà.
Điện thoại lại reo. Ồ! Hai em của tôi cũng quyết định đưa gia đình về đoàn tụ nơi đây trong những ngày nghĩ lễ. Mừng quá, tôi hét lên.
- Anh à, anh, dì ba và dì tư cũng đưa gia đình về ăn Noel với mình. Chút nữa mình đi booking phòng cho hai em nha anh. Có 3 đứa con về, nhà mình chỉ còn dư 1 phòng thôi.
- Được, được, chờ anh một chút, gần xong rồi em. Đừng mừng mà hét to quá, anh tưởng chuyện gì xảy ra cho em, anh hết hồn.
Điện thoại lại ngân vang, lần này tôi không dám hét to mà chỉ thầm thì.
- Chị nói thật đó chứ, chồng chị cũng chịu về đây ăn Noel với chúng tôi nữa sao?
Tôi rộn ràng cảm ơn chị.
- Sao, chị nói sao? Ô! Cả gia đình Minh cũng về nữa à ? Về ăn Noel với me, tụi nhỏ xem tôi là me thật à?
Mọi người đã thương yêu tôi như vậy, lúc mà tôi còn biết được những tình cảm đích thực dịu dàng đằm thắm ướt đẫm trái tim chân chất ngọt ngào.
Nước mắt tôi chảy dài, đó là những giọt nước mắt sung sướng của tuổi già chứa chan hạnh phúc, cho tôi hiểu được thế nào là sự đoàn tụ của đại gia đình dào dạt thân thương nơi xứ người đầy vơi niềm trăn trở.
Tôi nghĩ đến lời mẹ dạy, hãy sống với tất cả tấm lòng mở rộng, đời con sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn.
Ngày đó, ngày mà tất cả dân miền nam Việt Nam ngơ ngác không biết nên di tản ra đi hay ở lại, 3 chị em tôi được ba mẹ dặn dò.
- Tình hình chắc không yên, nếu có dịp thoát khỏi Việt Nam các con cứ đi.
Chúng tôi ở miền Trung, gia đình có sẵn một ngôi nhà ở Sài Gòn, mỗi tháng ba me thường thay phiên nhau đi vào đó lo công việc làm ăn, lúc tôi vào đại học thì 3 chị em cùng sống bên nhau cho tiện việc bút nghiên.
Cô bạn cùng lớp sát bên nhà rủ chúng tôi di tản, anh của cô là Hải Quân nên cô rành rẻ lắm, vậy là ba chị em đi theo và đến được đảo an toàn.
Một buổi chiều trên đảo tôi ra biển ngồi, nhìn những ngọn sóng trào dâng lòng buồn vô hạn, nhớ cha mẹ và không biết giờ này quê hương ra sao? Nhà tôi buôn bán nên có bị gì không? Mù mịt chân trời biết bao giờ mới gặp lại được người thân, nơi xa lạ này may mắn còn có 3 chị em đùm bọc lẫn nhau.
Một người con trai cũng ngồi nhìn ra biển trong những buổi chiều tà như tôi, anh là sĩ quan Hải Quân đi cùng chuyến tàu vượt biên. Gặp nhau chúng tôi chỉ chào và ít hàn huyên, vì ai cũng mang trong lòng sầu muộn, trên nét mặt luôn đăm chiêu buồn bã.
Rồi từng gia đình rời trại qua sự bảo lãnh của người thân hay những hội đoàn nhà thờ, chúng tôi là Phật tử không quen ai nên chưa biết lúc nào mới đến lượt mình.
Chiều nay như thường lệ tôi ra biển, nước mắt chỉ lặng thầm trên má khi không có hai em bên cạnh, tôi đang khóc thì có người đến cận kề.
- Tôi là Quang, cô đừng khóc nữa. Cô là Trâm Anh, em kế cô là Trâm An còn cô nhỏ nhất là Trâm Oanh, phải không?
- Anh nhớ tên chị em tôi giỏi quá!
- Vì tên của các cô thật đẹp!
- Anh là sĩ quan Hải Quân sao đi có một mình?
- Ba mẹ tôi già và ở quê không muốn đi, tôi cũng không có ngày giờ về quê.
Chúng tôi đã biết nhau từ lúc chung chuyến tàu, bây giờ mới có dịp nói chuyện và từ đó thân nhau. Rời trại cùng ngày và chúng tôi thuê nhà chia phòng cùng nhau ở, cả bốn đều đi học lại, tình cảm đến từ từ tôi chẳng biết, đến khi anh tỏ tình tôi chợt nhận ra trái tim mình đã rung động lâu rồi. Đấy cũng là ngày anh nói cho tôi hiểu sự thật về đời anh.
Ra trường Hải quân và được đưa về chỉ huy một duyên thuyền ở miền Nam, anh gặp cô giáo làng, hai người yêu nhau, tuổi trẻ bồng bột cô gái có thai. Anh định về quê thưa chuyện cùng ba mẹ cưới hỏi thì thời cuộc cực kỳ sôi động, anh được lệnh rút về trung tâm và bổ xung trên chiếc tàu lớn, nên khi tàu vượt biên anh phải đi theo, không còn dịp về quê gặp cô gái.
Anh không biết cô gái đó sanh nở ra sao, có mạnh khỏe không, con anh là trai hay gái, mỗi lần nhớ đến anh rất buồn. Anh thành thật như vậy, tôi cũng cho anh biết là trước khi di tản, me vào thăm 3 chị em và đưa tôi cất giữ một số đô la với vàng mang theo phòng hộ.
Anh lấy số vốn đó đầu tư vào địa ốc, mở công ty làm ăn. Chúng tôi chung nhau sinh sống như vợ chồng. Hôm sanh đứa con đầu lòng, anh đề nghị tôi làm hôn thú nhưng tôi cười và nói mình yêu nhau tin nhau là đủ rồi, hôn thú hay không với tôi không là vấn đề quan trọng.
Đó chỉ là cách nói vì tôi hiểu anh, những lúc anh bế con trai trên tay, tôi nghe tiếng thở dài não nuột. Nhìn ánh mắt anh, tôi hiểu anh đang nghĩ đến đứa con còn lại ở quê nhà. Vì muốn anh là của tôi, yêu tôi với tất cả trái tim và không còn vướng bận điều gì nên tôi chừa một con đường cho anh, đó là trên giấy tờ anh còn độc thân. Một lần nữa tôi sanh đôi 2 đứa con gái, anh năn nỉ làm hôn thú, tôi đành phải hẹn.
Chính phủ Việt Nam mở cửa cho Việt kiều về nước. Tôi là một trong những người đầu tiên về thăm cha mẹ ruột và cha mẹ chồng. Sau đó tôi vội vã đi tìm cô giáo làng của anh ngày xưa.
Thật cảm động! Túp lều tranh chỉ có một quả tim vàng! Cô giáo Liễu vẫn chờ anh! Gặp cô tôi sững sờ! Cô đẹp quá! Đẹp như bức tranh của hoạ sĩ Lê Trung! Một vẽ đẹp duyên dáng mặn mà thật hiền lành tinh khiết!
Khi gặp cháu Minh nước mắt tôi lưng tròng. Cháu sinh ra lúc quê hương điêu tàn thiếu thốn, mẹ bị nghĩ việc khi nhà quá nghèo, bà ngoại đã già, cháu bị suy dinh dưỡng nên ốm ròm và vô cùng nhút nhát, không được đến trường học bởi lý lịch người cha chẳng được rõ ràng. Tuy vậy, cháu lại đẹp trai có nét lai giữa chồng tôi và mẹ cháu. Cháu còn có tài vẽ bằng bút chì đủ loại tranh vô cùng sống động.
Cháu không có chốn thanh bình để ở, dù là chiến tranh đã qua nhưng cháu chưa thấy được hòa bình. Tôi muốn cháu là con chim non cất tiếng hát giữa bầu trời trong xanh rộng mở.
Đời đã cho tôi một cơ hội tuyệt vời! Tôi muốn chữa lành trái tim đau khổ này, nhưng làm sao, tôi phải đem mẹ đi mới đem con theo được.
Cô Liễu đẹp quá, cái đẹp chín mùi của người đàn bà một con, Quang và Liễu gặp lại thì tôi sẽ ra sao?
Tôi nghĩ đến hạnh nguyện của những vị Bồ tát xả thân cho đời. Cầu xin cho tâm mình có một tấm lòng rộng mở! Đừng vô tình! Đừng ích kỷ! Hãy giúp gia đình này vượt qua sự nghèo đói lam lũ, hoạn nạn triền miên!

"Đời quá ngắn thương nhau còn chưa đủ,
Bận lòng chi những thù hận vu vơ.
Vết trầy nhẹ đừng làm thân đau nhức,
Tâm yêu thương là biển rộng vô bờ." !!!


(Như Nhiên)

Bốn câu thơ này đã làm tôi phấn chấn! Nhưng đây không phải là vết trầy nhẹ, mà là một cuộc thử thách lớn lao của cuộc đời tôi và của 3 đứa con tôi nữa. Tình yêu thế gian ngoài mối quan tâm chia sẻ bên nhau, hạnh phúc chỉ thật sự có giá trị khi con người biết hy sinh cho đối tượng vẹn tròn nhân nghĩa. Nên tôi can đảm chạy lo giấy tờ hợp pháp cho Liễu, thật may mắn vì khai sanh cháu Minh có tên cha là anh Quang, tôi lo thêm hôn thú nữa là xong. Tôi cũng nói rõ với Liễu là tôi đã có 3 con cùng anh Quang rồi nhưng tôi vẫn chưa làm hôn thú, vì tôi thường nghĩ đến hoàn cảnh Liễu, và tôi muốn anh Quang sống cùng tôi mà không còn vướng bận điều gì.
Khi qua Mỹ, cô Liễu và cháu Minh ở nhà riêng. Đến khi nhập quốc tịch rồi việc đầu tiên là cô xé hôn thú và lúc ấy tôi sẽ làm hôn thú với anh Quang, cô Liễu đồng ý hết những gì tôi nói.
Giờ đây cháu Minh đã là Kiến trúc sư tương lai sáng lạng. Riêng cô Liễu đã hội nhập được vào đời sống ngoại quốc. Cô lập gia đình với một người Mỹ hơi lớn tuổi nhưng thật giàu và đã đem mẹ qua sum họp. Liễu nói Cô rất cảm kích đức hạnh của tôi, nhờ đó mà gia đình Liễu đã vượt qua được bước đường cùng của quá khứ nhàu nát thương đau.
Xin cảm ơn đường tình không bằng phẳng lúc ban đầu, cho tôi biết nhìn lại chính mình, bầu trời hạnh phúc chỉ dành cho những tâm hồn bao dung cao thượng, dám hy sinh để không trái đạo làm người. Để giờ đây, một mái ấm ngạt ngào mật ngọt tình thương ở tuổi tôi xế chiều đã được thăng hoa giữa xã hội nhân quần đầy xa hoa vật chất. Những bữa cơm rộn rã tiếng cười trong từng nét mặt hân hoan đơn giản, còn điều gì cao xa vời vợi hơn sự ổn định thanh thản của tâm hồn!

Trương Kim Báu

1 nhận xét: