Văn hóa xin lỗi – cảm ơn của người Nhật

Ở Nhật, có rất nhiều từ, cụm từ mang ý nghĩa xin lỗi. Xin lỗi lịch sự, xin lỗi vì vấn đề nghiêm trọng, xin lỗi với thái độ hối lỗi, xin lỗi vì muốn khiêm nhường, xin lỗi nguyên câu, hoặc xin lỗi dạng lược bớt khi trong mối quan hệ thân mật…
Lời xin lỗi của giảng viên người Nhật.

Vậy là gần hết 2 tuần học đầu tiên của tôi tại ngôi trường Đại học này ở Nhật. Chương trình học khá căng, vì học nhanh gấp 4 lần tiến độ bình thường của giáo trình. Lịch học khá nặng, thời khoá biểu từ thứ 2 đến thứ 6 hầu như từ 9 giờ sáng đến gần 5 giờ chiều ( được nghỉ trưa 1 tiếng ). Tất nhiên có 1,2 hôm học muộn hơn hoặc về sớm hơn. Chưa kể, học chung lớp với các bạn Trung Quốc, Đài Loan (học Hán tự thì họ nhìn chữ đã hiểu và biết viết rồi, chỉ là cách đọc khác nữa thôi), các bạn Thái, Mỹ, Mexico đều học ở Nhật từ nửa năm trước, một mình tôi mới sang, mới học, để đuổi cho kịp các bạn cũng là vấn đề không đơn giản. Vì thế, chỉ có một mình tôi lên thư viện sau giờ học, từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối, chả phải chuyện siêng năng ghê gớm gì mà là điều đương nhiên.


Xin lỗi – cám ơn của người Nhật


Đi học, phải nói chưa bao giờ tôi thích học như bây giờ. Hồi nhỏ, thích đến trường vì chơi với các bạn rất vui. Thầy cô người Nhật từ trung niên đến già, đều nhí nhố và vui tính vô cùng. Có một cô giáo tuy hơn 50 tuổi nhưng ăn mặc rất trẻ trung, dù gam màu vẫn cơ bản như trắng, xám, đen, nâu. Cái gì mà tôi không hiểu, cô sẽ vẽ lên bảng. Dù cô vẽ như trẻ con vẽ. So sánh hơn thì cô vẽ 2 cái ô tô, 1 to 1 nhỏ. Có lần cô vẽ con tôm mà tôi nhìn như con… rắn có râu.
Hoặc là thi thoảng, mặt cô biểu cảm đóng vai để giảng giải, thậm chí cô còn meo meo, hoặc giả giọng nhéo nhéo để buổi học trực quan sinh động nhất có thể.
Một thầy giáo khác, dạy môn văn hoá xã hội, khi thầy trả bài viết văn, thầy đóng dấu đỏ tên thầy bên cạnh là hình một con… ếch rất cute nhằm thể hiện rằng thầy đã xem bài và không có gì cần sửa.
Nếu không có những bài kiểm tra liên tục, tôi đã nghĩ mình đang học mẫu giáo chứ không phải Đại học. Thi thoảng có cô còn cho kẹo socola nhưng còn dặn, hết giờ học mới được ăn.
Hôm nọ, tôi đã rất sửng sốt vì cô giáo đã xin lỗi tôi. Ở Nhật, có rất nhiều từ, cụm từ mang ý nghĩa xin lỗi. Xin lỗi lịch sự, xin lỗi vì vấn đề nghiêm trọng, xin lỗi với thái độ hối lỗi, xin lỗi vì muốn khiêm nhường, xin lỗi nguyên câu, hoặc xin lỗi dạng lược bớt khi trong mối quan hệ thân mật…v.v. Và một giảng viên người Nhật, xin lỗi một sinh viên Việt Nam, chỉ vì tiếng Nhật… khó quá!!! Tôi nhớ cô đến bên bàn của tôi, giọng nghiêm trọng xin lỗi: Gomen ne. Mặt cô rất nghiêm túc. “Xin lỗi em nhé, vì tiếng Nhật khó quá nhỉ!”
Nhật là một đất nước của những điều kì lạ kì vĩ và kì quặc. Nhưng có những điều kì lạ đến mức không tài nào hiểu nổi. Tại sao cô giáo tôi phải xin lỗi? Vì một chuyện trời ơi như thế?
Giống như lần đầu tiên tôi đi đăng ký tài khoản ngân hàng, 2,3 nhân viên ngân hàng dù bận rộn đông khách vẫn kiên nhẫn hướng dẫn tôi viết địa chỉ nhà tôi bằng Hán tự. Tôi viết sai một nét là phải bỏ tờ giấy đó đi và viết lại. Họ viết sẵn to rõ ràng ở tờ giấy khác và tôi chép theo. Nhưng tôi vẫn phải viết đến tờ thứ 6. Xin hỏi, ở Việt Nam, nếu khách hàng viết sai 6 tờ giấy đăng ký, bạn có liên tục xin lỗi rằng: Xin lỗi bạn, vì tiếng Việt khó quá, bạn phải mất công như vậy.
Chả biết ai tài khoản tiền tấn tiền tỉ được chăm sóc như nào. Khi tôi làm 3 cái thẻ tín dụng ở 3 ngân hàng hạn mức hơn 350tr/ tháng thì không đến nỗi, nhưng đến khi huỷ thẻ vì xác định ở nước ngoài lâu dài thì sao mà đi đến đi lui khốn khổ chờ đợi trầy trật và nhân viên thái độ khó chịu thế.
Quay lại với câu chuyện đi học, tôi rất thích vì cảm thấy luôn được động viên. Nếu tôi làm đúng, thầy cô giáo sẽ bảo làm tốt lắm. Nếu tôi làm sai thì thầy cô bảo không sao đâu, vì nó khó mà.
Vì được động viên nên tôi rất có động lực. Và muốn cố gắng, để nhìn thấy thầy cô khoanh càng nhiều hình tròn biểu thị đúng càng tốt. Tôi không học vì sĩ diện thành tích, cũng chả cần ganh đua chạy theo bạn bè. Học cho mình và cảm giác mình khá hơn mỗi ngày, hiểu nhiều nghe tốt hơn mỗi ngày, là đủ.
16 năm học ở Việt Nam, khoan đã bàn đến trình độ hay nhân cách giáo viên. Tôi nhận thấy, nhiều ( chứ không phải tất cả ) giáo viên ở Việt Nam thiếu niềm tin vào học sinh của họ. Thậm chí còn đặt niềm tin lộn chỗ. Kiểu như em nào chăm học thì sau này sẽ là công dân hạng 1, còn em nào hơi nghịch 1 tý, trái ý 1 tý, nghĩ khác 1 tý kiểu gì cũng chẳng ra gì mà. Rồi học hành thế nào sau này làm sao làm được gì í mà. Rồi phá như này chỉ ăn hại thôi mà… Rồi xã hội Việt Nam hình như toàn ngược đời thôi, những em học sinh chăm chỉ học vẹt được thầy cô tin yêu ngày nào, giờ vẫn vật vã xin việc, xin không được thì đổ tại thiếu cơ, thiếu ô, thiếu tiền chạy chọt… Buồn cười phết;)

Lời cảm ơn của công nhân công trường.


Xin lỗi của công nhân công trường

Trường tôi đang xây thêm một khu gần đó. Có lần tôi đã kể, sáng sáng sinh viên đi bộ qua, chú đều chào buổi sáng. Hôm nọ, trên đường đi học về. Tôi thấy chú đứng giữa đường, chỉ dẫn cho xe tải đi từ công trường xây dựng ra. Đợi xe đi rồi, chú cúi đầu thấp “Xin cảm ơn”, cảm ơn vì các xe khác đã nhường đường. Vấn đề ở chỗ, lúc đó, trước và sau không có cái xe nào cả. Vậy là chú công nhân đã cảm ơn… không khí.
Ở Nhật, cảm ơn và xin lỗi là câu cửa miệng. Điều này thì ai cũng biết. Nhưng họ không nói cho có hay nói trong vô thức. Mà tôi nghĩ họ còn ý thức rất rõ. Như chuyện có người đã kể, khi người Nhật nghe điện thoại, họ vẫn cúi đầu và gật đầu khi xin lỗi, cảm ơn, đồng ý… Dù đối phương không thể nhìn thấy hành động đó. Tôi đã từng thấy anh lái tầu, đi từng khoang cúi đầu cảm ơn… Dù các hành khách đang bận người ôm lấy điện thoại, người tranh thủ ngủ hay đọc sách. Tôi đã từng nhìn thấy những người đứng ở các chốt soát vé tầu. Cứ mỗi một hành khách đi qua họ sẽ cảm ơn. Dù hành khách có để ý đến điều đó hay không. Những lời cảm ơn này, không phải xã hội ép họ phải thế. Tôi tin rằng, họ cảm ơn vì họ nhận thức được rõ ràng, họ trân trọng công việc, họ tôn trọng chọn lựa nghề nghiệp của chính họ. Dù công việc có thức sớm, làm khuya hay vất vả căng thẳng.

Những cái gật đầu xin lỗi và cảm ơn.



Trẻ Nhật xin lỗi và cám ơn.

Nhờ thói quen quan sát tôi thấy người Nhật gật đầu rất nhiều. Trong những trường hợp họ quá vội. Hoặc muốn gật đầu thay lời nói. Gật đầu ở đây không phải là đồng ý mà gật đầu để xin lỗi hoặc cảm ơn. Ví dụ, ở trong nhà vệ sinh, khi đứng đợi, một cô gái người Nhật bước ra, cô ấy sẽ gật đầu với tôi, nhằm ý: “Xin lỗi vì đã để bạn đợi.”
Nếu đi bộ trên đường, đến cổng một toà nhà, công ty nào đó, có xe ô tô đi ra, nếu tôi dành 2 giây để nhường đường, họ sẽ gật đầu, giơ tay lên, và cười để cảm ơn. Tương tự, nếu tôi ở trong thang máy, có một người vào sau, họ sẽ gật đầu cảm ơn vì đã đợi họ và cũng gật đầu để xin lỗi vì khiến tôi mất thời gian.
Người Nhật là như vậy đấy. Ở Nhật, bạn sống khác biệt, vẫn được tôn trọng, thậm chí thích thú. Nhưng bạn sống vô duyên vô lối vô tổ chức, chen lấn lộn xộn, bạn sẽ bị đám đông kì thị như thể những hành động đó thật thô bỉ!

Lê Nguyễn Nhật Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét