Về minh triết phương Đông

Niệm thức hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt đã được “ám định” từ bao đời trong câu châm ngôn Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Sự phát triển sản xuất xã hội cùng với nhu cầu chuyên môn hóa ngành nghề ngày một mở rộng mà lĩnh vực nào cũng phải học để hành nên đội ngũ những người làm thầy ngày một trùng điệp. Trong bối cảnh thường hằng biên sử ấy, có những người thầy nổi lên trong một lĩnh vực, có những người thầy nổi lên ở một thời. Tuy nhiên, có những người nổi lên thành bậc thầy tỏa sáng khắp mọi thời.

Nền huấn học thiên về hướng nội và minh triết ở phương Đông đã sản sinh ra những bậc thầy như thế. Trong số những bậc thầy tỏa sáng mọi thời ấy, không thể không nói đến Khổng Tử. Trước hết, ông là bậc thầy học không biết chán, dạy không biết mệt (học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện) và đã dạy dỗ đến 3.000 môn đệ. Song công lớn của ông không phải ở đó, cũng không phải ở chỗ có 72 học  trò thành danh, thành bậc nho sĩ hiền tài mà ở tư tưởng cách mạng Hữu giáo vô loại, tức không phân biệt địa vị xã hội trong công cuộc truyền thụ tri thức học vấn mà trước đó chỉ dành cho vua chúa   và   tầng   lớp   quý tộc. Phương pháp dạy của ông cũng “vô ngã”, không đem mình ra làm chân lý để áp đặt, nhồi sọ người học như thời chúng ta bây giờ. Ông chỉ đưa ra chính kiến của mình, môn sinh có thể phản biện hoặc có cách hiểu khác. Cái ông gọi là biết cũng thật giản dị, biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, ấy là biết (tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri)Khổng Tử không chỉ là nhà giáo dục mà ông còn là nhà tư tưởng, nhà sáng lập thể chế Nho giáo. Hệ thống giáo khoa thư mà ông là tác giả chính đã thống trị hàng nghìn năm khoa cử dưới thời phong kiến ở Trung Quốc cũng như ở nước ta. Học thuyết Khổng Tử đã trở thành nền tảng, trở thành chỗ dựa vững bền cho chế độ quân chủ. Tuy nhiên, ở thời Bách gia chư tử, thời hoàng kim tư tưởng “trăm nhà tranh đua”, nhiều khuynh hướng triết học ra đời, thì Nho giáo (hay Khổng giáo cũng vậy) dù vẫn giữ “dòng chủ lưu” nhưng phải “đối trọng” với các học phái khác như Pháp gia, Danh gia, Mặc gia, Âm Dương gia v.v… Đặc biệt phái Đạo gia có Trang Tử, người kế tục tư tưởng Lão Tử đã làm sách chế giễu học thuyết Khổng Tử. Học thuyết Khổng Tử mang tính hai mặt hay nói cách khác là con dao hai lưỡi, là sự hiểu biết trở lại ràng buộc người hiểu biết. Có lẽ vì thế và vì tinh thần “nhập thế” của Khổng Tử quá thực dụng nên có lần ông yết kiến Lão Tử liền bị Lão Tử chê bai:
“Tôi nghe nói người buôn giỏi thì giấu kỹ vật quý, coi ngoài như không có gì; người quân tử đức cao thì dung mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng đa dục, cái vẻ hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không có ích gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi!”
Sau đó, Khổng Tử về nói với môn sinh:
“Loài chim ta biết nó bay được, loài cá ta biết nó lội được, loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, lội thì ta dùng câu để bắt, bay thì ta dùng tên để bắn. Đến loài rồng cưỡi gió mây mà lên trời thì ta không sao biết được. Nay ta đã được gặp Lão Tử – ông ấy như con rồng vậy”.
Con người uyên bác có“cái khí kiêu căng”như Khổng Tử mà cũng phải nhún nhường đến thế thì chứng tỏ Lão Tử thật là vời vợi. Là thầy của bậc thầy. Trên thực tế, Lão Tử không làm thầy ai cả. Ông chỉ là một thủ thư trông giữ kho sách của nhà Chu. Tương truyền, Khổng Tử cũng đã từng đến kinh đô nhà Chu đọc kho sách đó nhưng những gì tiếp nhận được ở đấy không bằng những lời Lão Tử khải thị cho ông. Sử ký Tư Mã Thiên có chép mấy lời Lão khuyên Khổng:
“Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng tiền bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải là người giàu sang, mạn phép tự coi là người nhân mà tiễn ông bằng lời này: kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống vì ham phê bình người; kẻ giỏi biện luận, biết nhiều thì nguy tới thân vì hay nêu cái xấu của người. Kẻ làm con và kẻ làm tôi đều không có cách gì để giữ mình cả”.
Qua đó để thấy vì sao dòng triết lý của Lão Tử lại chảy ngược dòng triết lý Khổng Tử. Ngay cả khi bàn về Đạo cũng vậy. Khổng Tử nói Triêu văn đạo tịch tử khả hỉ. Ông nghĩ buổi sáng nghe được cái đạo rồi thì buổi chiều chết cũng thỏa. Lão Tử thì nói rằng Đạo khả đạo, phi thường đạo. Nghĩa là cái đạo mà diễn tả được, nghe được rồi chết như Khổng Tử, thì không phải đạo lớn, đạo bất biến. Đạo của Lão Tử là cái gì đó sâu xa, vô danh vô ngã nhưng bậc thượng sĩ nghe được thì liền thực hành, bậc trung sĩ nghe được thì nửa tin nửa ngờ, bậc hạ sĩ nghe được thì cười nhạo, nếu không thì đạo ấy không còn là đạo nữa (Thượng sĩ văn đạo, cần nhi hành chi; trung sĩ văn đạo, nhược tồn nhược vong; hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu, bất túc dĩ vi đạo). Đấy là những lời trong cuốn Đạo Đức kinh mà Lão Tử để lại cho đời. Toàn bộ trước tác của ông vỏn vẹn 5.000 từ (tương đương một bài bút ký) làm nên pho sách đó. Tuy nhỏ nhưng đây là những lời vàng ròng, là sự kết tinh những tinh hoa tư tưởng, trí tuệ của văn minh cổ đại phương Đông. Dẫu chẳng làm thầy nhưng vô hình trung, Lão Tử đã trở thành bậc thầy mọi thời đại của nhân loại với tư cách là Thủy tổ, là Giáo chủ Đạo gia, một dòng tu mật truyền âm ỉ mà bập bùng hằng hữu giữa nhân gian. Đạo Đức kinh vẫn hiện diện như một dòng triết thuyết cốt yếu trong nền minh triết phương Đông.
Minh triết phương Đông là thuật ngữ được giáo sư Francois Jullien, một nhà triết học đương đại Pháp, sau nhiều năm nghiên cứu so sánh đã nhấn mạnh để phân lập với triết học phương Tây. Triết học (philosophie) quan tâm đến sự biết và đi tìm cái chưa biết để biết. Minh triết (sagesse) nghiêng vào sự ngộ, ngộ là trực khởi trực nhận cái đã có sẵn trong mình nhưng bị che lấp bấy nay. Điều này thuộc hệ quy chiếu của một bậc thầy vĩ đại hơn, không ai khác ngoài Đức Phật. Sau khi đắc đạo, có người hỏi Phật đã thấy gì. Ngài nói chẳng có gì mới, chỉ là sự buông bỏ dần những gì thừa trong mình ra thì lộ diện bản nguyên sinh mệnh đã có sẵn từ bao đời. Đấy là cái mà các thiền sư cũng thường nói là bản lai diện mục hay kho báu trong nhà bị bỏ quên nên người ta cứ lận đận truy tìm từ bên ngoài. Phát hiện vô giá của Đức Phật là trong mỗi chúng sinh đều có Phật tính giống nhau, trực chỉ sự bình đẳng không chỉ giữa con người với con người mà giữa con người với muôn loài. Chính vì vậy nên Ngài mới nói Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành. Tất nhiên, cái “sẽ thành” ấy còn xa vời, thậm chí không bao giờ đến nếu không biết thức ngộ thực hành giáo lý mà Ngài đã từ bi tuyên giảng. Giáo lý Phật siêu việt ở chỗ trí tuệ khoa học nhưng giản dị diệu dụng, nó tương dung được mọi trình độ, mọi căn cơ đối tượng. Kinh điển Phật giáo tuy rậm rạp nhưng chung quy cũng chỉ có ba chữ Giới – Định – Tuệ. Trước hết là việc thực hành giới luật, tịnh hóa bản thể rồi đi vào thiền định và từ đó khai mở trí tuệ. Trí tuệ ở đây không phải là trí thông thường. Trí thông thường thuộc tri thức thường nghiệm. Tri thức thường nghiệm là sự chia chẻ khôn ngoan phải trái, lợi hại hơn thua. Phật gọi đó là thức, thức phân biệt, thức trong ngũ uẩn (Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức). Giáo lý bí truyền Thông thiên học thì gọi nó là tiểu trí còn đại trí mới là trí tuệ. Kinh Bát-nhã là bộ kinh tinh túy nhất của nhà Phật biểu đạt trí tuệ đó, trí tuệ bờ bên kia, trí tuệ tối thượng:
“Các Đức Phật trong ba đời cũng nương trí tuệ tối thượng mà đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. “Vậy nên biết Trí tuệ Tối thượng là đại thần chú, là đại minh chú, chú vô thượng, chú vô đẳng đẳng, trừ được mọi khổ, chân thật chẳng sai”.
Rõ ràng cho đến nay, Đức Phật vẫn là bậc thầy tâm linh vĩ đại nhất trong cõi ta-bà. Ngài xuất thân trong một gia đình hoàng tộc dòng Thích-ca mang danh phận Thái tử Tất-đạt-đa con vua Tịnh Phạn ở một vương quốc cổ xưa xứ Ấn nay thuộc Nepal. Không biết Ngài từ đâu đến thông dự kiếp người, thấy trần gian bể khổ, xả thân cứu độ. Ngài khuyên con người buông bỏ mọi thứ, phản bổn quy chân trở về với cái không bản thể; không chấp thủ, không dính mắc, không ràng buộc nhằm giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, nhân quả trớ trêu để được an lạc vĩnh hằng trong cảnh giới Niết-bàn. Khác với Lão Tử, vì Lão khuyên con người sống vô vi, nương theo luật tự nhiên, viên dung cùng vũ trụ, ngõ hầu đắc đạo mà phiêu diêu như du Thần tản Tiên. Càng khác và nghịch đề với Khổng Tử, vì Khổng dạy người ta “vận vào” những kỹ năng sống “phải đạo” trong một xã hội phân hóa giai tầng khốc kiệt và đầy rẫy những quan hệ tương thuộc. Ba bậc thầy cùng thời (cách nhau chỉ vài chục năm ở thế kỉ VI trước Tây lịch), cùng trong cái nôi huyền bí phương Đông (một ở Ấn Độ, hai ở Trung Quốc) đã“phủ sóng” năng lượng tư tưởng và trí tuệ của họ lên nền văn hóa lịch sử Việt Nam trong cấu trúc Tam giáo đồng hành (Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo). Tất cả còn đấy. Nếu có một bức màn vô minh thực sự hiện hữu thì một bên là Khổng Tử với tinh thần nhập thế tích cực tôn sùng cái biết để rồi bị cái biết ràng buộc, bên kia là Đức Phật với giáo lý bình đẳng của tánh Không. Còn Lão Tử thì như một hình ảnh linh động ẩn hiện bên phía Đức Phật nhưng lắm khi cũng tham gia một cách phóng túng vào việc xử trị cả bản thân lẫn nhân quần xã hội, điều mà Khổng Tử cả đời mơ ước.
Dù ở phạm trù tâm linh hay phạm trù tâm lý, dù lấp lánh ánh sáng đạo pháp hay lung linh bóng lửa dọi đời, các ngài vẫn uy nghi trọng vọng ở đấy để những khi phàm tình tăm tối, từ mỗi ô cửa riêng, chúng ta lại ngước lên, ngước lên không phải để ngắm họ mà để soi mình. ■

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét