Chiêm mộng trong Kinh điển Pali

Theo tinh thần Luật Tạng nguyên thủy, và cả bài kinh Phạm Võng của Trường Bộ Kinh, thì những học thuật như bùa chú, chiêm mộng, phong thủy, tướng số,… đều bị xếp chung vào loại tà môn dị thuật (tiracchànavijjà) mà một người tu Phật nên tránh xa.
Lý do đơn giản là chúng vô ích trong lý tưởng giải thoát và cũng là những con đường dễ dẫn đến những ngộ nhận nguy hiểm, kéo dài cuộc trầm luân không cần thiết.


Có điều quan trọng là chuyện gì trên đời cũng có thể được cảm nhận, nhìn ngắm qua nhiều khía cạnh khác nhau, lợi hại đủ cả. Người học Phật dĩ nhiên nên tránh những gì vô ích hay có hại cho đạo nghiệp của mình, nhưng cũng không nên vì thế mà nhắm mắt phủ nhận, bài bác những gì nằm ngoài chỗ biết của mình. Chẳng hạn những người đọc chuyện Bổn Sanh trong Tam Tạng Pàli nếu để ý một chút sẽ thấy ngay rằng từng câu chuyện xưa chỉ là cái cớ để đức Phật thuyết pháp. Trong vài trường hợp đặc biệt, ta cũng thấy kinh điển Pàli nhắc đến những lãnh vực phong thủy (sự tích về cổ thành Kapilavatthu), tướng số (Tướng Kinh trong Trường Bộ) và cả lãnh vực chiêm mộng mà người viết muốn bàn đến ở đây. Điểm quan trọng là trong những trường hợp đó, vấn đề được nhắc đến trong tinh thần tu học để giải thoát chứ không phải như những học thuật chỉ nhằm thoả mãn những mong đợi dung tục của người đời. Điều gì Phật nói đến cũng là một lối ra cho người học hiểu. Bế tắc, quẩn quanh đều không phải Phật pháp. Mọi sự ở đây phải được lý giải qua lý tưởng thức ngộ để đích đến sau cùng phải là tinh thần giải thoát sinh tử.
Ở đây ta tạm bỏ quên ông Sigmund Freud, để nói theo A-Tỳ-Đàm rằng cái gọi là giấc mơ hay chiêm bao có thể được tạo ra do nhiều nguyên nhân xa hay gần, thuộc tâm lý hay vật chất: Một giấc mộng có thể hình thành do một tác động sinh lý trong cơ thể, do sự tác động của một ngoại nhân có thần lực, do sự tồn đọng của những hồi ức lúc thức, hoặc chiêm bao cũng có thể là một điềm triệu (pubbanimitta) được tạo ra do sự chiêu cảm của nghiệp lực cá nhân hay tập thể. Trong trường hợp thứ tư này giấc mộng được xem như điềm báo trước. Cũng theo A--Tỳ-Đàm, các vị La-Hán không bao giờ có chuyện mộng mị bởi cảnh giới nội tâm các ngài là chuyên nhất bất loạn khi chiêm bao dù gì cũng là một kiểu ảo giác.
Người nghiên cứu kinh điển Pàli đều phải nhớ đến rất nhiều câu chuyện mộng mị của ai đó và tất cả đều không nằm ngoài những nguyên nhân vừa nêu trên đây. Trong bài viết ngắn này chúng tôi chỉ lược điểm một vài trong số đó:
Trường hợp đầu tiên là chuyện hoàng hậu Mahà Màyà nằm mộng thấy bạch tượng trước khi có mang hoàng tử Tất-Đạt.
Trường hợp thứ hai là chuyện vua Bimbisàra (Tần-Bà-Sa-La) mộng thấy quyến thuộc xưa về kêu khổ và sau đó tổ chức trai đàn cầu siêu.
Trường hợp thứ ba là hoàng hậu Dhammà của vua Bindusàra đã nằm mơ thấy mình ăn đất và sau đó có mang vua A-Dục (thế kỷ thứ ba Phật lịch).
Đặc biệt, trong hàng chục chuyện mộng mị mà chúng tôi đọc thấy trong kinh điển Nam Truyền, chúng tôi chú ý đến hai trường hợp thiển nghĩ là đáng lưu tâm nhất, vì người lý giải các giấc mộng này chính là đức Phật.
Trước hết, trong Tăng-Chi-Bộ (phần Năm Pháp) có ghi rằng trong đêm trước ngày thành đạo dưới gốc Bồ-đề, hoàng tử Tất Đạt đã nằm mộng thấy năm chuyện kỳ lạ và sau này khi kể lại, đức Phật đã giải thích rằng đó là điềm báo trước cho những gì xảy ra với Ngài sau đó:
- Ngài mộng thấy mình bỗng hoá khổng lồ và nằm gối đầu lên núi Himalaya, thòng tay xuống đại dương. Đây là điềm báo sau đó Ngài trở thành bậc Đại giác.



- Ngài mộng thấy từ rốn mình mọc ra một loại cỏ vươn cao mấy tầng mây. Đây là điềm báo cho việc Ngài tìm thấy nẻo giải thoát qua Bát Thánh Đạo và đem giáo hoá khắp nhân thiên muôn cõi.
- Ngài mộng thấy nhiều con giun màu trắng bò lên chân mình và phủ kín đầu gối. Đây là điềm báo về sự xuất hiện đông đảo các cư sĩ áo trắng (tại gia nhưng nghiêm cẩn) trong giáo pháp Ngài sau này.
- Ngài mộng thấy có bốn con chim với bốn màu lông khác nhau từ bốn phương bay về đậu dưới chân mình rồi đều có chung một màu lông trắng bạch. Đây là điềm báo cho việc thiên hạ tứ phương, đủ mọi tầng lớp cao thấp, sau này về thờ Ngài là thầy.
- Ngài mộng thấy mình đi kinh hành trên một ngọn núi toàn phân người, nhưng hai chân tuyệt không bị vấy bẩn mảy may. Đây là điềm báo về việc Ngài sẽ nhận được sự kính lể, cúng dường khắp nhân thiên với một lòng vô nhiễm.
Trường hợp thứ hai là mười sáu giấc mộng lạ lùng của vua Ba-Tư-Nặc (Pasenadi) trong thời Phật tại thế. Theo chú giải Bổn-Sanh-Kinh (tích 77), vua mộng thấy liên tục những chuyện lạ lùng vô lý và sau nhiều bàn soạn của cả triều đình, ông đã theo lời hoàng hậu Mallikà vào hầu Phật và thưa chuyện với Ngài. Đức Phật đã giải thích ý nghĩa điềm triệu của từng giấc mộng mà vua đã thấy:
- Vua mộng thấy thiên hạ kéo nhau đến xem một bầy bò mộng đang hung hăng như sắp húc nhau sinh tử, nhưng sau cùng, cả bầy bò chỉ gườm nhau giây lát rồi tự động bỏ đi. Đây là điềm báo về chuyện thiên hạ về sau thiếu tu hành khiến thời tiết mùa màng xáo trộn, thấy vậy mà không phải vậy, kết quả là hạn hán, lụt lội, gì cũng bất ngờ khó lường.
- Vua mộng thấy cây cối bỗng dưng thu nhỏ bất thường, nghĩa là cao hơn gang tay mà đã đầy đủ hoa trái. Người xưa chưa biết chơi cây kiểng Bonsai nên dĩ nhiên thấy đó là chuyện lạ. Thực ra đó là điềm báo việc sau này loài người ngày càng đắm nhiễm nhục dục, nam nữ đều sớm biết chuyện ái ân từ lúc còn rất nhỏ tuổi. Đó cũng là một đại hoạ của thế giới.
- Vua mộng thấy mấy con bò cái tìm đến bú sữa mấy con bê bé xíu thay vì theo thường tình thì ngược lại. Đây là điềm báo về việc sau này vị trí của cha mẹ cùng các bậc trưởng thượng trong nhà ngày càng xuống thấp, con cái nắm hết quyền hành và người lớn phải cung đón phục lụy đám nhỏ để được chăm sóc.
- Vua mộng thấy người ta bỏ bê những con bò cao to khỏe mạnh và thay vào đó lại sử dụng mấy con bê thấp bé vào những việc nặng nhọc. Đây là điềm báo về việc thiên hạ sau này mến chuộng cơ xảo giả trá để những kẻ tiểu nhân bất tài lại đắc thế được giao phó những trọng trách vượt quá khả năng và những kẻ tài đức trở thành của thừa trong thiên hạ.
- Vua mộng thấy một con ngựa có hai cái miệng có thể cùng lúc ăn cỏ cả hai bên. Đây là điềm báo về sự xuất hiện tràn lan của những tham quan cai trị thiên hạ sau này, nước nào cũng có.
- Vua mộng thấy người ta dùng một cái chén bằng vàng để hứng lấy nước tiểu của một con chó rừng. Đây là điềm báo trước về việc trong thiên hạ mai sau sẽ đảo lộn mọi trật tự xã hội, chẳng hạn khái niệm hoàng gia quý tộc sẽ bị xem như chuyện cổ. Những kẻ thấp hèn bất xứng sẽ được những bậc cao nhân tôn đức quỳ lụy hầu hạ. Họ phải vậy để kiếm sống và được yên thân.
- Vua mộng thấy có người ngồi đan dây thừng và một con chó ngồi bên dưới cứ nhai hết những đoạn dây vừa bện xong. Đây là điềm báo trước về sự xuất hiện rầm rộ của những phụ nữ phóng đãng dâm dật sau này bòn rút tiền của từ đàn ông để tiêu pha khiến thiên hạ tan nhà nát cửa. Cả thế giới tương lai sẽ bị hút vào cơn lốc phá sản ngọt ngào này.
- Vua mộng thấy người ta xếp nhiều lu vại cạnh nhau rồi ai cũng tranh nhau đem nước đổ vào chiếc vại ở giữa đến lúc nó tràn cả ra ngoài nhưng họ vẫn tiếp tục, trong khi đó những chiếc vại bên cạnh không có được một giọt nước nào. Đây là điềm báo cho việc sau này dân chúng các xứ lao lực suốt đời vẫn đói khổ cùng cực và những gì họ làm ra chỉ để cung đốn phủ phê cho những người cai trị họ hưởng thụ đến thừa mứa.
- Vua mộng thấy có nhiều muông thú đến uống nước trong một hồ nước trong sạch tinh khiết ở ven bờ nhưng cặn cáu dơ bẩn ở giữa lòng hồ. Đây là điềm báo trước cho việc thiên hạ đời sau vì muốn trốn tránh những người cai trị bất hảo nên sẽ từ bỏ nơi lẽ ra phải ở để cùng nhau tìm đến sinh sống chỗ xa khuất và do đó họ vô tình làm giàu đẹp chỗ tạm dung.
- Vua mộng thấy một nồi cơm chín dở dang với một phần nhão, một phần sống và chỉ một phần chín tới ngon lành. Đây là điềm báo cho việc sau này do chúng sinh ngày càng bất thiện, khiến chư thiên phẫn nộ, và ác nghiệp kia cũng chiêu cảm cả thiên nhiên. Điều đó khiến trời đất trong thiên hạ sẽ tự khu biệt thành những miền đất có mức sống chênh lệch nhau: Chỗ thì thái hoà sung túc và nơi thì đói khổ đoạ đày.
- Vua mộng thấy thiên hạ có thể dùng chút bơ tươi mà đổi được những miếng trầm kỳ đáng giá ngàn vàng. Đây là điềm báo cho việc sau ngày Phật tịch, chánh pháp ngày càng bị xem rẻ, nhiều vị tăng sĩ đời sau xem Phật pháp là phương tiện đổi chác danh lợi. Họ đi rao giảng Phật pháp chỉ vì ước muốn có được những lợi ích vật chất, đôi khi chỉ là một bữa ăn ngon hay một món đồ vừa ý.
- Vua mộng thấy một trái bầu khô rỗng ruột vừa bị ném xuống nước đã chìm ngay. Đây là điềm báo trước sự hỗn loạn của thiên hạ đời sau. Ngoài thế tục, kẻ gian manh đốn mạt sẽ đắc thế trong xã hội, lý lẽ ngang ngược xằng bậy sẽ được đa số tán thưởng. Trong Phật môn, hàng ác tăng sẽ lấn lướt chế ngự các vị chơn tăng.
- Vua mộng thấy những tảng đá lớn nổi bồng bềnh trên nước. Đây là điềm báo về sự bẽ bàng, khinh thị của đa số thiên hạ về sau đối với những người khả kính trong đạo ngoài đời. Tiếng nói của họ không có ảnh hưởng đối với quần chúng.
- Vua mộng thấy mấy con nhái nhỏ xíu yếu ớt lại rượt bắt những con rắn lớn để ăn thịt. Đây là điềm báo cho một tình trạng thê thảm trong các xã hội ngày sau, khi người đàn ông vì mê luyến nữ sắc nên giao hết quyền hành cho họ cai quản mọi thứ và từ đó phải sống kiếp hèn mọn là nhìn mặt thê thiếp buồn vui để liệu bề cư xử.
- Vua mộng thấy một con quạ xấu xí được vây quanh với những loài chim xinh đẹp hiếm quý. Đây là điềm báo cho một tệ nạn trong tương lai là khi giới quý tộc không đủ tài đức để cai trị thiên hạ nữa, đám thất phu giảo hoạt bất chính sẽ tiếm quyền và hàng quý nhân kia giờ lại thành kẻ tôi đòi nô lệ.
- Vua mộng thấy một đàn dê rượt đuổi bầy chó sói. Đây là điềm báo cho sự đắc thế của người bất xứng trong đạo lẫn ngoài đời sau này.
Trộm nghĩ, hẳn có không ít người nghi ngờ sử tính của bài viết này, và thậm chí của cả bản chú giải Bổn Sanh Kinh, nhưng liệu những chuyện kể ở trên có đáng bị xem là mê tín, nhảm nhí không đáng suy gẩm ? Nên chăng một sự nhìn ngắm cẩn trọng vào những khía cạnh tích cực, lành mạnh, hữu ích của từng thứ mình nghe thấy đâu đó. Có người biết cách ngắm nhìn những hòn đá lạnh lẽo, những cành cây không lá, những viên sỏi tưởng chừng chẳng đáng gì, nhờ vậy thế giới hôm nay mới có thêm nghệ thuật Bonsai từng làm mềm lòng bao người thiên hạ.

Onceland, 2006-12-16


Toại Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét