KHÔNG NÓI ƠN NGHĨA

Trời vừa sáng, anh Long đã vội trèo lên xích lô đạp đến bệnh viện… 
Khuya hôm qua, lúc cả thành phố đã chìm vào giấc ngủ, trên đường đạp xe trở về nhà, anh đã tình cờ phát hiện rồi cứu một nạn nhân bất tỉnh mê man bên vệ đường với một vết thương trên trán khiến cho máu ra thật nhiều. Nạn nhân là một người đàn ông trung niên, ăn mặc rất tươm tất sạch sẽ, nhưng nồng nặc mùi men.
Lục trong túi quần nạn nhân, anh Long thấy một chiếc ví da dầy cộp, bên trong đầy những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn, có cả tiền đô-la tươi và giấy tờ tuỳ thân… Do trời đã khuya khoắc, anh chỉ kịp lo chở nạn nhân đi cấp cứu, không thể đến báo tin ngay cho thân nhân người bị nạn, vì xem dò địa chỉ ghi trong giấy chứng minh thư anh thấy ở quá cách xa, phải đến năm cây số, mà lúc ấy thì anh đã rã rời tứ chi sau một ngày lao động cực nhọc. 
 Anh Long cất kỹ chiếc ví, định bụng sáng sớm mai sẽ vào bệnh viện trao trả lại cho nạn nhân đầy đủ. Khuya hôm qua, anh đã chờ cho đến khi bác sĩ báo cho hay kết quả sơ cứu nạn nhân, biết nạn nhân thoát được hung hiểm, anh mới yên tâm trở về nhà. Giờ thì anh vào thẳng bệnh viện… 
Bước vào phòng, anh Long ngạc nhiên khi thấy một người hàng xóm quen biết của mình đang ngồi túc trực bên giường của nạn nhân mà anh đã cứu khuya hôm qua. Người hàng xóm cũng ngạc nhiên khi thấy anh. Anh Long hỏi khẽ: “Anh Trung… anh là gì của anh này?”. Người hàng xóm tên Trung cũng nói khe khẽ: “Bạn thân. Tôi được bệnh viện báo tin cho biết mới sáng nay, vội vào đây, nói chuyện được ít câu thì anh ta đã ngủ. Anh ta say quá, bị bạn bè ép uống ruợu trong buổi tiệc họp mặt nhân ngày Nhà Báo 21-6, trên đường về thì té xe, xe bị ai cuỗm mất rồi, nhưng… chuyện ấy tính sau!”. Anh Long bước gần đến sat bên giường, nhìn kỹ gương mặt bệnh nhân, hỏi: “Có đỡ nhiều hơn không?”.
Anh Trung gật đầu: “Nghe y tá nói, hồi mờ sáng anh ta có tỉnh giấc và báo cho bệnh viện biết địa chỉ nhà tôi. Anh ta không có người thân nào ở thành phố này, họ đều ở trong miền Tây Nam Bộ và một số đã định cư nước ngoài xa xôi cả… Có phải anh đã chở anh ta vào đây không?”. Anh Long gật nhẹ, rồi trao chiếc ví của nạn nhân cho anh Trung. Anh Trung mở xem qua bên trong, thấy giấy tờ và tiền bạc còn nguyên, thì ngẩn ngơ, suy tư một hồi lâu mới hỏi: “Rõ ràng là một nhân duyên đưa đẩy cho anh gặp mà cứu anh ta, cứu lấy chính người đã từng là ân nhân của anh đó, anh có biết không?”. Người phu xích lô rùng mình, sửng sốt: “Sao? Anh ta… anh ta… là ân nhân của tôi đó sao?”.
Gật đầu một cái thật mạnh, anh Trung phẩy tay: “Chính anh ta. Người đã giúp anh tiền để mua chiếc xích lô năm ngoái, và cũng chính anh ta giúp đỡ gia đình anh mấy đợt tiền trong lúc ngặt nghèo, bệnh hoạn. Tiền phụ cấp hằng tháng cho mấy đứa con của anh đi học cũng là của anh ta hỗ trợ cho đó!”. Hai người lặng im. Khoảnh khắc yên tĩnh dành cho cơn rúng động nội tâm. Anh Long chưa hết bàng hoàng, lại nghe giọng trầm trầm của anh Trung cất lên: “Không phải chỉ gia đình anh là được anh ta giúp đỡ đâu, mà còn rất nhiều gia đình neo đơn bần cùng khác nữa. Nhất là những gia đình nghèo có con cái hiếu thảo và ham học, như gia đình của anh chẳng hạn…”. 
Anh phu xích lô nghèo kinh ngạc, hỏi nhỏ: “Anh ta là một… tỉ phú phải không?”. “Không. Anh ta chỉ đơn thuần là một nhà báo, nhà báo không thẻ!”. Há hốc mồm, anh Long hỏi lại: “Nhà báo không thẻ?”. Anh Long giải thích: “Nghĩa là một người cầm bút viết báo, nhưng không có… thẻ nhà báo. Một cách gọi khác về những cộng tác viên báo chí. Tuy chỉ là một cộng tác viên, nhưng trong làng báo nước nhà ai cũng biết tên tuổi của anh ta, vì anh ta có bút lực rất sung mãn, lại đa năng…”. Anh Long vẫn chưa qua hết cơn kinh ngạc: “Nếu là nhà báo đơn thuần thì làm gì giàu có và hào phóng đến mức như vậy?”. Anh Trung hạ giọng xuống: “Đó là điểm đặc biệt của anh ta. Anh ta vẫn cầm bút sáng tác bình thường, viết đủ thể loại và vẽ cả tranh minh họa và biếm họa, yêu nghề và quý trọng nghề, sống bằng tiền nhuận bút, bằng đồng tiền chân chính do chính mình làm ra. 
Còn những khoản tiền mà người thân ở nước ngoài đều đặn gửi về hằng tháng cho anh ta, anh ta đã không dùng đến, mà trút hết ra cho việc làm từ thiện, làm Phật sự …”. Anh phu xích lô ngẩn ngơ, hỏi ngay: “Phật sự? Là làm chuyện cho chùa à?”. “Đúng vậy. Anh ta là một Phật tử thuần thành, do xưa kia, lúc còn là một thanh niên mới lớn, anh ta đã từng có thời gian 3 năm tu học Pháp Phật, sau vì đứt duyên mà hoàn tục, nhưng cái Tâm của anh ta từ đó đến mãi tận bay giờ dường như là không rời xa chốn thiền môn Hỷ Xả- Từ Bi. Thật đáng bái phục!”. Anh Long thốt lên: “Quá phi thường! Đâu phải ai cũng dễ làm được điều đó! Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy được…”. 
Anh Trung nhìn ra bên ngoài cửa sổ, cất giọng có chút buồn giận: “Cho nên rất nhiều người đàm tiếu chê bai, cho rằng anh ta là kẻ lập dị, là hâm, là khùng, là ngu, là khờ, là muốn chơi nổi chơi trội lấy tiếng, muốn lưu danh muôn thuở… Vì họ không làm được như anh ta, nên họ cho rằng vậy là lẽ đương nhiên!”. Chưa hết thắc mắc, người phu xích lô nghèo lại vặn hỏi: “Nhưng… sao anh ta không tự tay mình, không đích thân làm những việc nghĩa như giúp đỡ gia đình tôi, mà một số chuyện lại nhờ vào tay anh chuyển giao?”. Một nụ cười điểm nhẹ trên môi, anh Trung nói: “Điều đó cũng là một cái… quái. Quái đến độ khiến cho chúng ta phải nghiêng mình khâm phục kính nể. Từ trước tới nay, mọi sự giúp đỡ của anh ta đều thông qua tôi, anh ta muốn vậy, vì không thích ai biết mặt mình, không thích ai nói đến chuyện mang ơn mang nghĩa. Cho nên, cả anh ta lẫn anh, và những người mang ơn anh ta đều không biết mặt nhau đó! Anh ta muốn vậy, thì hãy để cho anh ta được như ý…”.  
Anh Long sửng sờ, lòng trổi lên niềm kính phục trước con người bị nạn đang nằm ngủ say trên giường kia… Anh nhớ lại, rất nhiều lần gia đình anh lâm vào cảnh túng bấn cực cùng, khi vợ ốm , lúc con đau, khi hết gạo, lúc cạn tiền, nhằm mùa khai giảng lo cho con cái tựu trường, không còn gì giá trị trong nhà để bán đi, anh thì thất nghiệp dài dài, tứ bề tưởng như đã bế tắt… thì được anh Trung mang tiền đến trao cho nói rằng “của một người tốt bụng thích làm việc từ thiện, nhưng luôn luôn giấu mặt”. Nhận được sự giúp đỡ của một người không quen biết qua trung gian một người hàng xóm nhân hậu, anh Long rất muốn biết mặt ân nhân của mình, rất khao khát được diện kiến ân nhân dù chỉ một lần trong đời để quỳ xuống mà nói lên lòng biết ơn, nhưng anh Trung đã khăng khăng từ chối không chịu cho biết nhân thân của người tốt bụng giấu mặt ấy. 
Không ngờ khuya hôm qua, anh Long lại được dịp trả cái ân tình, và sướng nhất là được biết dung nhan diện mạo của người đã giúp gia đình anh thoát cảnh đói nghèo thê lương… Người mà bao lâu nay anh Long muốn được nhìn ngắm đang nằm trên giường kia, gương mặt hiền lành, mắt nhắm nghiền trong cơn ngủ say vì mệt mỏi. Anh Long bước lại, nắm lấy bàn tay của ân nhân, nước mắt cứ chực trào ra. Anh Trung thấy vậy vội túm áo anh xích lô giật mấy cái, nói nhỏ: “Nghe tôi dặn nè, chút nữa nếu anh ta có thức dậy, nhớ tuyệt đối không được nói đến chuyện ân nghĩa gì hết nghe chưa!”. Nhăn nhíu mặt mày, anh Long hỏi: “Không cho tôi nói một lời cảm ơn nào ư?”. “Tuyệt đối không!”. “Nói chút xíu thôi…”. “Chút xíu cũng không được! Dứt khoát là không được. Anh ta chúa ghét bất cứ ai nói đến chuyện ân nghĩa, nói đến chuyện tạ ơn với cảm ơn. Hãy tôn trọng ý muốn của anh ta, đó chính là trả ơn rồi đó! Tôi chơi thân với anh ta chục năm rồi, tôi biết và hiểu anh ta rõ hơn ai hết!”. 
Anh Long chưa kịp nói gì thì con người nằm trên giường đã mở choàng mắt dậy. “Kẻ lập dị” đưa đôi mắt lờ đờ nhìn anh Trung, rồi nhìn sang anh Long với chút ngạc nhiên, cất giọng yếu ớt: “Ai vậy, Trung?”. Anh Trung thản nhiên: “Người xích lô chở anh vào đây hồi khuya đó!”. Đưa mắt nhìn anh Long, “nhà báo không thẻ” cất giọng yếu ớt: “Vậy à? Cảm ơn anh nhé, cảm ơn anh rất nhiều… cảm ơn đã cứu mạng…”. Anh Long bước lại sát bên giường, giọng nghẹn đi: “Ơn nghĩa gì? Tôi đến cốt để xin tiền cuốc xe hồi khuya đó. Trả lẹ tiền cho tôi còn về. Heat thảy hai mươi lăm ngàn đồng!”.

Nói xong rồi, anh Long quay mặt đi nơi khác, không cần nhìn thử thái độ của người đang nằm trên giường. Người phu xích lô nghèo đã quay mặt đi nơi khác chỉ vì cố để giấu hai hàng nước mắt của mình đã không được phép mà tuôn rơi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét