Là chết giỡn cho vui chơi tuế nguyệt

“Anh sẽ chết như chưa bao giờ chết
Anh sẽ về thăm viếng các em ôi
Em khốn khổ như ngàn thu mỏi mệt

Anh chào em, anh chết suốt thiên thâu
Là chết giỡn cho vui chơi tuế nguyệt
Cho tháng ngày mừng rỡ với lá cây
Cho ngày tháng chịu chơi với lá cỏ”

***

Dường như 70 năm có lẻ, nếu bảo Bùi Giáng đã sống thì chỉ là “sống tạm, gửi nhờ” cái phần xác mà thôi, còn phần hồn phách chẳng biết ông gửi đâu. Cái mặt đất của hơn 7 tỉ sinh linh đang cư ngụ, cách đây 15 năm về trước, có lẽ không có tên Bùi Giáng. Hoặc giả, nếu có chỉ là một Bùi Giáng gầy còm, râu tóc bới tung, mặt mày đen đúa, áo quần tả tơi, nói năng lộn xộn, mà bất kỳ ai cũng có thể “mục sở thị” được. Tuyệt nhiên không hề có một Bùi Giáng thông tuệ, mẫn tiệp, luôn ý thức rất rõ mình là ai và cõi đời này là gì, một Bùi Giáng sống chỉ để cật vấn “to be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại), nên lúc nào trong con người ông cũng chất chứa đủ mọi sắc màu, mùi vị của cuộc đời hư hư, thực thực, điên mà tỉnh, thơ mà triết, uyên bác mà dân dã, cao thượng mà bỡn cợt, thông thái mà dí dỏm, bất cần đời mà ưu thời mẫn thế,... một Bùi Giáng như là tất cả, nhưng không là gì cả.
“Hoặc rằng người cũng là tôi 
Hay là tôi cũng là tôi như người
Ấy rằng tinh thể đười ươi
Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và 
Ấy rằng một cũng là ba 
Là hai mai một mốt là hôm nay”. 
(Xóa nhòa).
Sẽ là không quá, ở cõi tạm này, tôi ít thấy ai có nhiều phẩm chất của sinh linh tồn tại như ông. Người đấy cũng là ma đấy. Thiên thần đấy cũng là ác quỷ đấy. Đời đấy cũng là đạo đấy. Với ông “cái muôn” cũng là “cái một”, không có ranh giới, sự phân chia thanh hay tục, đạo hay đời, hữu hay vô. Ở Bùi Giáng tất cả sự hiện tồn đều “mờ mờ nhân ảnh”. Trong mắt ông, thế giới là vô thủy, vô chung. Mọi thứ qua mau như chớp mắt, nhưng cũng hiện tồn vĩnh hằng như toàn năng vũ trụ trong thẳm sâu bản thể tồn tại của chính mình. Ngay cả con người tưởng ông bằng da, bằng thịt, có ăn ngủ, đi lại, vui buồn như bất cứ một ai khác, nhưng đối với nhiều người chỉ đến thế và chỉ là thế, còn đối với Bùi Giáng tự căn mệnh ông vượt qua cái sự đến thế và cái sự là thế.
Đã sinh ra làm người, tuyệt đại đa số, ai cũng sợ chết. Nếu một người nào đấy nói không sợ là tự lừa dối mình và dối người. Riêng có một người nói không sợ chết thì mọi người có thể tin toàn phần. Đấy chính là Bùi Giáng. Sống với ông có nghĩa là đem cả thể xác lẫn tâm hồn “bán xỉ” cho cuộc đời, dứt khoát ông không chịu “bán lẻ” dù ai đấy có trả giá cao hơn. Trước khi thôi sống, trong ý nghĩa của sự không tồn tại trên cõi dương gian này về mặt thể xác, chứ chưa hẳn là bất tồn về mặt tinh thần, Bùi Giáng đã ý thức rất rõ về điều ấy và ông đã “tập” chết không biết bao nhiêu lần. Thậm chí ông còn đùa giỡn với cái chết như ông đã từng giỡn đùa với cái sống. Đối với ông sống hay chết đều bình đẳng, có nghĩa và cũng vô nghĩa như nhau. Nên sống đã không có gì đáng bận tâm thì chết cũng chẳng qua là sống theo một cách khác, nên chăng chỉ là sự đổi món cho bớt nhàm mặt, nhạt miệng, mà thôi, nào có gì vui thú, càng không phải bận tâm đâu:  
“Anh chào em, anh chết suốt thiên thâu
Là chết giỡn cho vui chơi tuế nguyệt
Cho tháng ngày mừng rỡ với lá cây 
Cho ngày tháng chịu chơi với lá cỏ”
Hay:
Anh sẽ chết như chưa bao giờ chết
Anh sẽ về thăm viếng các em ôi
Quả thật, nếu một người thường xuyên tập chết, chết hằng giây hằng phút hằng giờ, cứ đi đi về về giữa hai- bờ- sống- chết, chết giỡn chơi liên miên bất tận mãi như thế thì cái chết đâu còn là nỗi ám ảnh đáng sợ của kiếp nhân sinh! Vượt qua không gian vật lý hữu hình, bỏ lại sau lưng tất cả, hằng tắm gội mình trong dòng sông ánh sáng tâm linh- con người có thể sẽ đi qua nỗi sợ hãi tâm lý thường trực và vỡ vạc ra rất nhiều điều đáng giá ngàn vàng. Cuộc hành trình đi tìm chân ngã của mỗi thực thể sống, càng trải qua nhiều bài học khác nhau, càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, giúp cho lịch trình tiến hóa của tâm thức diễn ra nhanh chóng hơn. Tiếc rằng, còn quá ít người có mặt trên trần gian này được học bài học này một cách căn cơ, có hệ thống. Học cái chết để giúp cho cái sống đời đời!
Chết giỡn là bài thực tập thường xuyên, liên tục của bậc đại trí thượng thừa, một hình thức hành thiền cao nhất. Chỉ có những người học thiệt, làm thiệt mới thấu suốt cái lẽ “im lặng…một mình!” (2)
Với một con người quan niệm về lẽ sinh tồn, cái sống và cái chết như vậy, thì hiển nhiên thế giới con người trong mắt Bùi Giáng mong manh như giọt sương mai trên ngọn cỏ, thứ ngọc châu của đất trời có thể vỡ òa ra bất cứ lúc nào mà không hay biết, nhưng khi còn vẹn nguyên nó có thể thu cả vũ trụ bao la vào trong mình. Vì thế, hơn 70 năm tồn tại ở “cõi nhàm” này, Bùi Giáng luôn cảnh giác với thời khắc ngọc châu vỡ òa, tan biến, nên ông luôn phải “online” với chính mình trong mọi lúc, mọi nơi, mặc cho vũ trụ vần xoay, cõi đời điên
đảo, nhưng dường như không giây phút nào ông có thể “offline” được với chính mình.  
Nhưng mà lạ, với nhân sinh và cõi đời này Bùi Giáng lại luôn làm ngược lại, không bao giờ “online” mà chỉ “offline”. Bởi thế người đời bao giờ cũng nhìn ông như một “vật thể lạ” từ một nơi nào đấy quẳng xuống cho thế giới loài người chiêm nghiệm hay là một “người ngoài hành tinh”, không biết sống một cuộc đời bình thường như bao người khác, mà chỉ tồn tại, gửi tạm thân nơi “cõi nhàm”, rồi đi. Cái duy nhất mà Bùi Giáng để lại cho người đời là một sự ngơ ngác, u ơ trong khát khao kiếm tìm để rồi hụt hẫng và thất vọng khi tìm mãi mà không thấy đích thực Bùi Giáng đâu.
“Xưa nay trong đạo lạc loài
Chữ điên đảo cũng có ngoài có trong 
Ngoài cuồng loạn, trong thong dong 
Trong ngoài bức bách tấm lòng dung phôi”
(Vô thường)    

Trích: Luận niệm sinh và Cảm pháp thi Bùi Giáng 
Tác giả: Đỗ Ngọc Yên
Nguồn: http://vannghecuocsong.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét