Ta dạy đàn bảy dây


Chuyện tiền thân Guttila (Jat. 2, 48) kể lại về lợi ích của những hành động tốt nhỏ nhặt.

Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Đạo Sư đã kể lại về Đề-bà-đạt-đa. Lúc bấy giờ các Tỷ-kheo nói với Đề-bà-đạt-đa, ‘Bậc Chánh Đẳng Giác học thông ba tạng giáo điển, chứng được bốn thiền. Thật không xứng đáng nếu hiền giả trở thành kẻ thù của bậc sư trưởng!’. ‘Này các Hiền giả, Sa môn Gotama đâu có phải là sư trưởng của ta. Chính do tự lực của ta, ta học ba tạng giáo điển và chứng được bốn thiền’. Nói vậy xong, Đề-bà-đạt-đa từ bỏ bậc sư trưởng…
Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) là em họ của Đức Phật. Các chuyện tiền thân kể lại rằng trong nhiều kiếp sống, hai người đã từng là bạn bè, cha con, anh em, thầy trò… Cũng có khi Bồ-tát (tức là tiền thân Đức Phật) tái sinh làm các con vật như voi, khỉ,… Cùng lúc Đề-bà-đạt-đa tái sinh làm thợ săn. Trong các kiếp sống đó, Đề-bà-đạt- đa luôn luôn chống lại Bồ-tát. Qua chuyện này có thể thấy được rằng: hai người kình chống nhau thì trong các đời trước có thể đã là cha con, anh em của nhau. Truyện cổ Việt Nam cũng kể lại câu chuyện một người tái sinh làm đứa con để báo thù (xem “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”). Vì thế, mọi hành động trả đũa do tức tối, giận dữ coi chừng trúng phải người thân của mình trong kiếp xa xưa.
Khi được biết vấn đề đang luận bàn, bậc Đạo Sư nói:
‘Này các Tỳ-kheo, không phải chỉ nay Đề-bà-đạt-đa mới từ bỏ sư trưởng, trở thành kẻ thù của Ta và gặp nạn. Thuở trước nó cũng bị nạn như vậy rồi!’. Nói xong, bậc Đạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi vua Bramadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh vào một gia đình nhạc sĩ và được đặt tên là Thanh niên Gattita, khi lớn lên, Bồ-tát học thành đạt các học nghệ âm nhạc, trở thành vị nhạc sĩ Guttila. Bồ-tát không lấy vợ, nuôi dưỡng cha mẹ mù lòa.
Trong nhiều câu chuyện tiền thân, Bồ-tát không lập gia đình, chịu ở vậy nuôi dưỡng cha mẹ già. Khi lập gia đình, nếu gặp người vợ tốt, chịu chung sống, đối xử tốt với cha mẹ chồng, chia sẻ mọi nỗi lo của chồng, thì đó là điều quá hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, người vợ không hòa đồng với nhà chồng. Khi đó, người chồng sẽ phải sống hai cuộc sống: lo cho vợ con riêng rẽ và lo cho cha mẹ riêng rẽ. Người vợ không chia sẻ nỗi niềm của chồng, lúc đó có thể so bì: “Sao lo cho cha mẹ anh nhiều quá dzậy, còn tôi thì sao, gia đình tôi thì sao?”. Ông bố chồng lúc đó có thể buông một câu: “Nó chỉ biết lo cho vợ, chẳng biết gì đến cha mẹ già”. Tình thế này thật là tiến thoài lưỡng nan. Vì thế, nếu không tìm được người phù hợp, thì một người có trí như Bồ-tát đành “không lấy vợ, nuôi dưỡng cha mẹ mù lòa”.
Lúc bấy giờ, một số người buôn bán, sống ở Ba-la-nại đi đến Ujjeli để buôn bán. Nhân ngày lễ được tổ chức, họ mang vòng hoa, hương thơm, hương sáp, các thức ăn, tụ hội lại một chỗ để vui chơi. Họ bàn nhau: ‘hãy thuê một nhạc sĩ đến’. Lúc bấy giờ nhạc sĩ Musila là vị nhạc trưởng ở Ujjeni. Họ mời Musila. Nhạc sĩ vặn dây đàn tỳ bà rất căng rồi gảy đàn. Không một ai tỏ vẻ hài lòng. Musila nghĩ rằng, có lẽ ta chơi đàn căng thẳng quá, nên cho vặn xuống bậc trung và gảy tiếp. Người nghe vẫn tỏ vẻ thản nhiên. Musila suy nghĩ, những người này chẳng biết thưởng thức gì cả. Làm như vô ý, Musila gảy đàn với dây hết sức chùng. Đến đây, họ cũng chẳng nói gì cả. Musila nói:
‘Này các thương nhân, tôi gảy đàn tỳ bà không làm các ông thích thú sao?’.
‘Nhưng ông gảy đàn tỳ bà đó sao? Chúng tôi tưởng ông chỉ lên dây đàn’.
‘Vậy các ông biết một sư trưởng giỏi nhạc hơn tôi hay vì các ông không biết gì nên không thích thú?’.
‘Chúng tôi trước đây có nghe tiếng tỳ bà của nhạc sĩ Guttila ở Ba-la-nại. Tiếng đàn của ông chẳng khác gì tiếng bà mẹ ru con nít’.
‘Vậy tôi trả lại tiền cho các ông. Tôi không cần số tiền ấy. Khi nào các ông đi Ba-la-nại hãy cho tôi đi theo’.
Ai có một cái tài cũng thường muốn trổ tài. Người trổ tài thì muốn được tán thưởng. Nhạc sĩ Musila trổ tài nhưng lại không được tán thưởng. Musila cảm thấy tự ái.
Mọi người bằng lòng và khi họ đi, họ mang theo Musila đến Ba-la-nại, chỉ cho biết nhà của nhạc sĩ Guttila. Musila đi vào nhà của Bồ-tát, thấy cây đàn tỳ bà treo trên dây, lấy xuống và đánh đàn. Cha mẹ Bồ-tát, vì mù không thấy Musila, nghĩ rằng: có lẽ các con chuột đang ăn dây đàn tỳ bà, liền nói: ‘suỵt suỵt, các con chuột ăn đàn tỳ bà’.
Qua câu chuyện, ta cũng có thể thấy câu nói dân gian “không thầy đố mày làm nên”. Musila là nhạc trưởng ở Ujjeli, vậy mà hết bị chê là “lên dây đàn,”“chuột gặm dây đàn”, đủ biết là trình độ âm nhạc của Guttila cao tới cỡ nào. Chính vì thế mà Musila muốn học với sư trưởng Guttila.
Lúc ấy Musila đặt đàn xuống, kính chào cha mẹ Bồ-tát. Đợi Bồ-tát về, Musila xin học với Bồ-tát. Là người biết xem tướng, biết Musila không phải bậc chân nhân, Bồ-tát liền từ chối, ‘này con, nghề này không phải là nghề của con’, Musila năn nỉ cha mẹ Bồ-tát. Nể lời cha mẹ, Bồ-tát nhận dạy cho Musila nghề nhạc và giới thiệu anh ta với nhà vua. Bồ-tát không phải là người giấu nghề, ngài dạy Musila tất cả những gì mình biết.
Vì không có gia đình nên Musila được đối xử như là con trai của nhạc sĩ Guttila. Bồ-tát dạy Musila về nghề đàn và tạo cả mối quan hệ với nhà vua cho Musila.
Khi học xong, Musila nghĩ: ‘Nay ta học thành nghề xong. Thành Ba-la-nại này là thành tối thượng trong cõi Diêm-phù-đề. Sư trưởng đã già. Ta hãy sống tại đây’.
Câu chuyện này cũng thường xảy ra và thường có tên là “chảy máu chất xám”. Một người tài năng thường được chăm chút đào tạo, thầy cô, xã hội đổ công sức vào nhiều. Khi người đó không có tiền đi học sẽ có mạnh thường quân cho tiền đi học. Người tài năng thường gây ra sự kỳ vọng cao trong tâm lý của thầy cô. Khi có học bổng đi nước ngoài, được học với điều kiện thoải mái hơn, trình độ cao hơn, dần dần muốn ở lại nước đó. Cách đây mười năm, khi được hỏi “vì sao anh (hay chị) lại chọn ở nước ngoài”, câu trả lời thường là“vì trong nước tài liệu không có, không thể học tập nghiên cứu được”. Ngày nay, điều kiện tài liệu bắt đầu dễ dàng, muốn có một tài liệu mới chỉ cần liên lạc e- mail là sẽ có người gửi về. Lý do này trở thành không đúng nữa. Gần đây, có nhiều người trả lời khác: “vì mức lương quá thấp, không đủ sống”. Câu trả lời ấy thành thực hơn.
Anh ta liền thưa với sư trưởng:
- Thưa sư trưởng, nay con sẽ xin hầu vua.
- Lành thay, con thân, ta sẽ tâu với vua. Bồ-tát đi tâu với vua:
- Đệ tử của thần muốn hầu hạ vua. Hãy trả tiền lương cho nó.
- Nó sẽ nhận được phân nửa lương của khanh.
Người mới ra trường quan tâm rất nhiều đến vấn đề lương. Khi đi phỏng vấn xin việc, luôn luôn lo lắng: nếu ra mức lương quá cao sẽ bị từ chối, nếu ra mức lương thấp thì sẽ “bị đánh giá”: chắc trình độ “yếu” nên chọn mức lương thấp. Thật ra, mức lương cao hay thấp không phải do trình độ mà do sự đóng góp cho công ty nhiều hay ít. Vì thế, lúc đầu người mới tốt nghiệp cũng đừng lo lắng thái quá. Quan trọng là có tự tin vào năng lực làm việc để đóng góp cho công ty hay không. Còn theo lý thuyết nhân quả thì mọi việc tốt ta làm cuối cùng ta sẽ được hưởng. Nếu ta làm tốt mà lương bị thấp thì cái quả tốt vẫn còn đó. Cái quả ấy chính là năng lực làm việc, các mối quan hệ. Nó sẽ giúp ta có kết quả tốt về sau.
Sư trưởng liền báo cho Musila. Musila nói: Nếu con được trả tiền bằng lương của thầy con sẽ hầu hạ vua. Nếu không được con sẽ không hầu hạ! Vì sao? Phải chăng con biết tất cả về nghề như sư trưởng? Phải, con biết như vậy, tại sao vua cho con phân nửa lương. Bồ-tát tâu lại với vua. Vua nói: Nếu nó có thể chứng tỏ nghề nó bằng khanh, nó sẽ nhận lương ngang bằng. Bồ-tát tin cho Musila biết. Musila nói: Lành thay! Con sẽ trổ tài! Khi vua được biết Musila nhận lời bèn gọi Musila vào nói:
- Lành thay! Ngày nào ngươi sẽ trổ tài?
- Tâu Đại vương, từ nay cho đến ngày thứ bảy.
- Có thật chăng ngươi sẽ thi tài với sư trưởng?
- Thưa Đại vương, thật vậy.
- Không nên có sự cạnh tranh với sư trưởng! Chớ có làm như vậy.
- Thưa Đại vương, đến ngày thứ bảy sẽ có cuộc thử tài giữa thần và sư trưởng của thần. Chúng ta sẽ biết ai là người có tài hơn!
Nhà vua cản mãi mà không được. Nếu chờ đợi một thời gian nữa, khi Guttila không còn làm việc nữa thì vị trí đó chắc chắn sẽ thuộc về Musila. Tuy nhiên, Musila lại mong muốn vị trí của nhạc sĩ Guttila ngay lập tức.
Bồ-tát suy nghĩ: Musila này còn trẻ trung. Còn ta đã già, sức mạnh yếu kém. Việc làm của người già không thể thành công. Nếu bị thất bại thì không có gì tốt đẹp cả. Nhưng nếu đệ tử thắng cuộc thì vào rừng mà chết tốt hơn là sự ô nhục mà ta phải gánh chịu.
Bồ-tát đã truyền hết nghề cho đệ tử. Bây giờ thi tài thì không chắc gì thắng vì Musila có sức trẻ. Nếu Bồ-tát thắng thì mọi người đều thấy bình thường. Nếu thua thì quả là không thể chịu đựng nổi.
Bồ-tát đi vào rừng, nhưng rồi sợ chết lại quay về. Rồi lại sợ hổ nhục lại đi vào rừng. Như vậy Bồ-tát đi đi về về trong sáu ngày. Cỏ dưới chân Bồ-tát tạo thành một con đường mòn.
Muốn tự tử nhưng lúc chuẩn bị tự tử lại sợ chết. Con người bình thường ai cũng thế. Bồ-tát không thể giải quyết được mối đau khổ to lớn này.
Trong sát-na ấy, chỗ ngồi của Đế-thích bị nóng lên. Đế-thích hướng tâm tìm hiểu và biết được sự việc xảy ra. Đế-thích suy nghĩ: Nhạc sĩ Guttila đau khổ lớn trong rừng vì người đệ tử. Ta phải giúp ông ta. Đế- thích đi đến rất nhanh trước Bồ-tát và hỏi
- Thưa sư trưởng, sao sư trưởng lại đi vào rừng?
- Ông là ai?
- Tôi là Đế-thích.
- Thưa Thiên chủ, tôi sợ bị đệ tử đánh bại nên đi vào rừng.
- Chớ có sợ. Ta là chỗ ẩn náu cho ngươi. Khi ông gảy đờn tỳ bà hãy cắt đứt một dây và chơi với sáu dây. Tiếng đàn tỳ bà của ông vẫn hay như cũ. Musila cũng sẽ cắt đứt một dây nhưng tiếng tỳ bà của nó sẽ mất đi. Khi ấy nó sẽ thua cuộc. Biết nó đã thất bại ông hãy cắt dây thứ hai, dây thứ ba, dây thứ tư, dây thứ năm, dạy thứ sáu, dây thứ bảy. Bạn sẽ gảy đàn với cái trục đàn mà thôi. Tiếng đàn sẽ phát ra từ nơi đầu dây bị đứt bao trùm toàn thành Ba-la-nại.
Đế-thích cai quản cõi trời. Khi một người tốt bị khổ sở, tai nạn, Đế-thích không thể ngồi yên. Và vị vua cõi trời đã giúp cho nhạc sĩ Guttila. Với chiến thuật của Đế- thích, dĩ nhiên Musila phải thua cuộc.
Khi Musila thua cuộc, vua ra dấu cho quần chúng. Quần chúng đứng dậy la to: Ngươi muốn đánh bại sư trưởng. Ngươi phản thần phản bạn. Ta làm bằng thầy ta! Ngươi không biết tự lượng sức mình. Chúng đánh Musila với gậy, đá,… với bất cứ thứ gì cầm trong tay, giết anh ta và quăng trên đống rác. Vua hoan hỷ bằng lòng cho Bồ-tát một cơn mưa tài sản. Đế- thích mời nhạc sĩ Guttila lên thăm cõi trời của ngài.
Khi Bồ-tát đến, Đế-thích hoan hỷ chào đón Bồ-tát
- Thưa sư trưởng, thiên nữ muốn nghe nhạc của sư trưởng!
- Chúng tôi là nhạc sĩ, nương tựa nghề để sống. Hãy trả công và tôi sẽ chơi nhạc.
- Hãy chơi nhạc, tôi sẽ trả tiền cho ngài.
- Tôi không cần tiền gì cả. Hãy để các thiên nữ này nói lên thiện nghiệp của họ rồi tôi sẽ chơi nhạc.
Theo lý thuyết nhân quả, các thiên nữ phải làm điều gì đó tốt đẹp mới được tái sinh vào cõi trời này. Nhạc sĩ rất thắc mắc, ông không biết các thiên nữ này làm điều gì. Và ông đề nghị họ nói ra cho ông nghe, xem như một cách trả công. Bài học này quý giá hơn tiền bạc vì nó sẽ là nguồn gốc của các hành vi đem lại nhiều hạnh phúc cho người thực hiện.
Các thiên nữ thưa với Bồ-tát: Sau khi được nghe thoải mái, chúng con sẽ nói lên các thiện nghiệp chúng con đã làm. Thưa sư trưởng, ngài hãy đánh nhạc đi. Bồ-tát đánh nhạc trong bảy ngày và nhạc của Bồ-tát vượt hơn nhạc của cõi trời. Đến ngày thứ bảy trở đi Bồ-tát hỏi các thiên nữ về thiện nghiệp của họ. Một thiên nữ, trong thời Đức Phật Ca-diếp đã cúng một thượng y cho một tỷ-kheo. Sau khi sanh làm thị giả cho Đế-thích, nàng trở thành một thiên nữ có một ngàn thiên nữ khác hầu hạ… Một thiên nữ khác cúng dường hoa cho một tỷ-kheo đang đi khất thực. Một thiên nữ khác đã cúng dường hương cho điện thờ Phật Ca-diếp. Một thiên nữ khác cúng dường thức ăn đặc biệt. Một thiên nữ khác đã nghe pháp từ các tỷ-kheo. Một thiên nữ khác đứng trong nước cúng dường cho một tỷ-kheo ăn bữa ăn trên một chiếc thuyền. Một thiên nữ khác sống trong gia đình đã hầu hạ mẹ chồng, cha chồng, không bao giờ tức giận. Một thiên nữ khác chia phần món ăn mình cho người khác. Một thiên nữ là nữ tỳ trong một gia đình, không phẫn nộ, không kiêu mạn nên đã sanh thành người hầu cận cho vị thiên chủ.
Chỉ làm các việc tốt nhỏ nhặt cũng đủ để tái sinh lên cõi trời. Đó là bài học mà Bồ-tát đã được nghe. Có người khi nói cần phải “tránh ác làm lành” cứ nghĩ rằng việc “làm lành” ấy chắc phải là cái gì to lớn lắm. Tuy nhiên, Phật học nhấn mạnh rằng có thể làm những điều lành rất nhỏ nhặt, nếu tích lũy những điều như vậy cũng có thể mang lại lợi ích to lớn.
Bồ-tát đã hỏi tất cả là ba mươi bảy thiên nữ. Nghe họ kể, Bồ-tát nói: Ta đã đến đây và đã được nghe các thành tích đạt được với các thiện nghiệp nhỏ nhặt. Từ nay trở đi, ta sẽ đi trong thế giới loài người, làm các thiện nghiệp như bố thí,… Nói vậy xong, Bồ-tát thốt lên cảm hứng:

Hôm nay ta may mắn 

Rạng đông khởi tốt lành 
Ta được thấy thiên nữ 
Đẹp đẽ và duyên dáng

Ta nghe pháp họ nói! 

Ta sẽ làm điều thiện 
Bố thí và đồng sự

Tự chế và khắc kỷ 

Ta sẽ đến tại đây 
Tại chỗ không sầu muộn.

Đức Phật thuyết pháp thoại này xong, cho biết: Lúc bấy giờ Musila là Đề-bà-đạt-đa, Đế-thích là A-nậu-đa-la. Vua là A-nan và nhạc sĩ Guttila là Ta.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 149 | TẤN NGHĨA