Một Nhà Bác Học

Thuở xưa, có một nhà bác học rất ư là tài ba, và giàu tâm huyết. Ông sống một cuộc đời giản dị, cô độc, không vợ con, quyến thuộc, dành hết thì giờ vào việc nghiên cứu hoa học. Nhà bác học của chúng ta may mắn có một gia sản vừa đủ sống qua ngày, công trình nghiên cứu của ông thuộc lãnh vực toán học nên chỉ tốn phấn và giấy mực. Do đó, cuộc sống của nhà bác học tuy không dư giả lắm nhưng chẳng đến đỗi nào. Ông chi rất dè xẻn, các nhu cầu ăn mặc giải trí, giao thiệp, đọc sách, nói năng đều được hạn chế tối đa. Hầu hết thì giờ của nhà bác học đều được sử dụng để giải các bài toán hóc búa, rắc rốt nhất.
Một hôm, có vài nhà hảo tâm giàu có đến thăm và đề nghị ủng hộ nhà bác học hoàn toàn đầy đủ các nhu cầu cần thiết để ông an tâm dành hết thì giờ và tâm sức cho cuộc nghiên cứu. Từ đó, thế giới loài người không còn thấy được bóng dáng của con người tài ba ấy nữa, nhà toán học đã khép chặt “khuê phòng,” thề chẳng ra ánh sáng mặt trời nếu ông chưa tìm được cách giải bài toán hóc búa nhất của thế hệ mình. Năm mươi năm trôi qua…
Một hôm, nguồn tin nhà bác học đã mở cửa để công bố kết quả nghiên cứu loan ra khắp nơi như một trái bom nổ chậm. Báo chí, đài phát thanh, truyền hình, thâu băng… đều được chuẩn bị để tiếp kiến với con người tài ba vĩ đại đó.
Buổi gặp gỡ giữa nhà bác học và cộng đồng nhân loại sau 50 năm xa cách thật là éo le và cảm động. Trong khi đám đông nín thở, thán phục nhìn con người già nua, râu tóc bạc phơ, khoác những y phục của ông bà họ, ngỡ ngàng bước ra ánh sáng của những ngọn đèn 220v thì nhà bác học cũng sững sờ không kém! Ông hấp háy nhìn đám người lạ lùng, khoác các thứ y phục kệch cỡm đủ màu sắc, lố lăng và trân tráo nhất… Một thanh niên chững chạc đến bắt tay ông, tự xưng là con trai người bạn cố tri, thay mặt đám đông, xin được nghe và thấy công trình khám phá của nhà toán học.
Cố nén vẻ khó chịu, nhà bác học tội nghiệp của chúng ta trao cho chàng trai một tập giấy dày cộm, đầy chi chít chữ rồi bước lui vào thư phòng, tiếp tục công trình nghiên cứu khác.
Ngày hôm sau, báo chí nhất loạt đăng tin mới và sốt dẻo nhất về nhà bác học như thế này:

“… Theo nguồn tin đáng tin cậy nhất, nhà toán học, sau 50 năm ròng rã nghiên cứu, bỏ ngủ quên ăn, cắt đứt duyên trần, chẳng giao thiệp với cộng đồng nhân loại, đã tìm ra cách giải phương trình bậc hai… và đang tiếp tục nghiên cứu cách giải phương trình bậc ba…”
Câu chuyện về nhà bác học chỉ gây xôn xao trong dư luận khoảng một tuần lễ rồi rơi vào quên lãng, vì kết quả 50 năm dài nghiên cứu của ông đã được nhân loại tìm ra cũng gần 50 năm rồi. Và các học sinh cấp ba đang giải phương trình bậc ba bằng những công thức ngắn và giản dị nhất.
Nhưng vì lòng kính trọng người cao tuổi, toàn thể nhân loại đều im lặng, không ai nói cho nhà toán học biết được điều ấy. Các nhà hảo tâm vẫn tiếp tục cung cấp các nhu cầu cần thiết để ông có thể… tiếp tục nghiên cứu cách giải các bài toán hóc búa mà các thế hệ con cháu đã tìm ra đáp số từ lâu.

Em thân mến!

Có những cuộc thí nghiệm được thực hiện và thành công trong phòng thí nghiệm nhưng không ít các nhà bác học đã phát minh ra cái sáng kiến vĩ đại ở ngoài phòng thí nghiệm. Newton đã khám phá ra định luật hấp dẫn, sức húc của trái đất tác dụng lên mọi vật khi đi dạo tình cờ nhìn thấy một quả táo rơi. Archimède khám phá ra sức đẩy của nước lúc đang tắm… có những cuộc thí nghiệm thành công do công trình của một người nhưng cũng có những cuộc thí nghiệm cần sự đóng góp của tập thể.
Mỗi hành giả chúng ta đều là các nhà thí nghiệm. Có khác chăng, đối tượng nghiên cứu của chúng ta không phải bên ngoài mà chính là tâm thức của mình. Những thời tĩnh tọa nghiên cứu trong các tịnh thất vắng lặng, rất ư cần thiết cho hành giả, như những lúc đi dạo trên bờ đê, dưới các tàn cây rậm lá, khi cuốc đất, lúc bửa củi, nhổ cỏ, trồng rau tiếp khách, trò chuyện… đều không phải là vô bổ… cho việc tu hành.
Trong các bộ Nikaya hay kinh A Hàm, đức Phật thường khuyên hàng môn đệ sơ cơ:

- Này các tỳ kheo! Hãy tỉnh giác khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi co, khi duỗi, khi cúi, khi ngước, khi mặc áo hay ăn cơm, khi đại tiểu tiện…
Ngài muốn nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ hạn cuộc việc tu hành của mình trong một thời gian không gian cố định…, mà nên uyển chuyển, linh động để tùy thuận tu tập theo ngoại cảnh. Về sau, kinh Duy Ma Cật, một bộ kinh thuộc hệ phát triển, có nêu lên đề nghị: “Nơi nào cũng có thể tu tập, đâu cũng là đạo tràng” cũng không ngoài việc khai triển và tiếp tục lời nhắc nhở của đức đạo sư trên.
Trong việc tương giao với tha nhân, chúng ta sẽ gặp nhiều việc phiền phức nhưng không kém phần thú vị. Những điều làm ta ngạc nhiên khi nhìn thấy ở người chung quanh chẳng phải là các khám phá lạ lùng đó sao? Gặp một việc bất như ý, bực bội, quạu quọ… phát ra ngôn ngữ, hành động rồi ân hận nuối tiếc… Đó là một diễn trình tâm lý thường gặp mà ta khó tìm được khi ở một mình. Và đôi khi, trong trạng thái cô lập ta phát minh ra nhiều việc mới mẻ hay ho, đối với riêng ta… nhưng thật tầm thường và cũ rích đối với mọi người…, y hệt như công trình của nhà toán học trên đây vậy.

Trích: HƯ HƯ LỤC
Thích Nữ Như Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét