Phước báu chăm sóc cho người bệnh

Đức Phật khuyến khích các đệ tử của ngài nên trông nom săn sóc cho các người bệnh. Đức Thế Tôn đã nói một câu bất hủ: “Trông nom săn sóc người bệnh là trông nom săn sóc ta”, khi ngài khám phá thấy một vị tăng đau nặng với bệnh kiết lỵ đang bị bỏ rơi, nằm liệt giường trong lớp áo hôi thối dơ bẩn. Thấy vậy, với sự giúp sức của Tôn giả Ananda Thera, Đức Phật đã dùng nước ấm rửa ráy và lau chùi vị tăng bệnh này . Ngài nói rằng, tăng đoàn phải có bổn phận và trách nhiệm săn sóc các người bệnh.

Có rất nhiều trường hợp Đức Phật đã săn sóc những người bị bệnh trầm trọng, làm gương cho các đệ tử noi theo. Có một lần, khi thấy một vị tăng bị lở loét, khắp người đầy máy mủ, Đức Phật đã đun nước sôi và tự tay rửa ráy sạch sẽ cho vị này, rồi giặt áo phơi khô cho vị ấy nữa. Sau đó, vị này được nghe Đức Phật giảng pháp, đã chứng ngay quả A-La-Hán và rồi viên tịch.
Đức Phật tán dương những đức tính thực sự cần có nơi một người chăm sóc cho người bệnh – khả năng biết cho thuốc, hiểu rõ những gì làm cho người bệnh thoải mái và những gì làm cho người bệnh khó chịu, và giữ không làm cho người bệnh khó chịu. Người chăm sóc cũng phải có từ tâm, có lòng tử tế và không ghê sợ những thứ như nước miếng, đờm rãi, nước tiểu, phân hay những mụt lở. Người chăm sóc cũng phải biết khuyến khích người bệnh qua cách ứng xử thích hợp với người đang nằm bệnh.

Lòng từ tâm
Khi một người đang bị bệnh trầm trọng, ngoài việc cho ăn uống và thuốc men đúng hợp, điều quan trọng cũng là phải chăm sóc về tinh thần. Lòng từ tâm của bác sĩ và y tá đối với bệnh nhân cũng quan trọng như một phương thuốc hữu hiệu để giúp người bệnh mau lành. Như vậy, những lời nói và hành động từ tâm thực rất hữu hiệu trong việc đem đến niềm hi vọng và sự thoải mái cho một người bệnh yếu đuối bất lực. Từ và Bi là những cảm tính cao thượng tuyệt đỉnh trong Tứ Vô Lượng Tâm (brahamavihara).
Thời gian bị bệnh là khi người ta phải đối mặt với những sự thực của đời sống và đương nhiên là sự sợ hãi cái chết còn lớn hơn khi đang mạnh khỏe. Hướng sự chú tâm của người bệnh về Pháp Phật là liều thuốc tốt nhất để làm dịu đi sự sợ hãi và người chăm sóc cần phải giúp người bệnh hướng về một điểm tựa tâm linh. Đức Phật mô tả có ba loại người bệnh trong kinh Tăng Nhất A Hàm (Anguttara Nikaya) – những người không hồi phục được dù họ có nhận được sự chăm sóc và thuốc men đầy đủ hay không; những người hồi phục được không liên quan đến việc họ có nhận được sự chăm sóc và thuốc men đầy đủ hay không, và những người chỉ có thể hồi phục nếu họ được sự chăm sóc và thuốc men thích hợp. Tuy nhiên, trong thời gian người bệnh vẫn còn sống, người chăm sóc cũng phải làm tất cả những gì có thể làm được với sự điều dưỡng và thuốc men đúng hợp nhất để giúp họ hồi phục.
Trong những kinh khác Đức Phật cũng giảng rằng bệnh là điều không thể tránh trong cuộc đời. Có những trường hợp tuyệt vọng người ta muốn làm bất cứ cái gì để có thể hồi phục lại sức khỏe. Tuy rằng điều đó không sai, nhưng những cố gắng nỗ lực đó phải không đi ngược lại lương tâm của con người. Dù nỗ lực cố gắng đến đâu, cái chết vẫn có thể đến, khi đó người ta cần phải chấp nhận trong một tinh thần tự chế, xem đó như là nghiệp quả phải chịu.

Sự thăng tiến tâm linh

Đức Phật đã dành cho người bệnh một tình thương bao la và sự bi mẫn thông cảm. Trong kinh Pháp Cú có nói rằng sức khỏe là cái lợi tốt nhất của con người (Aarogya Parama Labha – phẩm 204: Không bệnh, lợi tối thượng) và Đức Phật đã đặt ra vài giới luật nhỏ để dung hợp với nhu cầu của các vị tăng bệnh. Chính Đức Phật khi bị bệnh cũng đã dùng đến rất nhiều ý chí và sự tự chế. Lần cuối cùng khi bị bệnh nặng, ngài đã dũng cảm đi bộ từ Pava đến Kusinara với Tôn giả Ananda Thera, phải nghỉ chân nhiều lần dọc đường. Người đã phát triển tâm linh phải có năng lực giữ tinh thần cao và mạnh mẽ tương ứng với mức độ thăng tiến tâm linh của mình.
Đọc tụng những yếu tố của tâm giác ngộ (Bojihanga - Bồ Đề Phần) rất ích lợi trong việc chữa lành thân bệnh. Khi Tôn giả Ma Ha Ca Diếp và Mục Kiền Liên bị bệnh, Đức Phật đã đọc lại các yếu tố tâm giác ngộ Bồ Đề Phần và họ đã hồi phục sức khỏe trở lại. Trong kinh Bojihanga Samyutta (Tương Ưng Bộ Kinh, phẩm Bồ Đề Phần) có nói rằng, khi Đức Phật bị bệnh, ngài đã yêu cầu Cunda đọc lại những yếu tố tâm giác ngộ và rồi Đức Phật đã hồi phục lại sức khỏe.
Khi sư Girimananda bị bệnh, Đức Phật đã chỉ thị cho Tôn giả Ananda Thera rằng nếu ông giảng thuyết lại Mười Pháp Quán Tưởng (Dasa sanna – kinh Girimananda) thì vị sư này sẽ khỏi bệnh. Mười Pháp Quán Tưởng là: tưởng ngũ uẩn vô thường, tưởng các căn vô ngã, tưởng thân bất tịnh, tưởng sự khổ nơi thân, tưởng dứt bỏ tham dục, tưởng dứt trừ tính dục, tưởng Niết Bàn tịch tịnh, tưởng thoát ly duyên trần, tưởng hành vi vô thường, tưởng niệm thường hơi thở. Tôn giả Ananda Thera học lại bài pháp này của Đức Phật rồi lập lại cho Girmananda nghe, và vị này cũng đã khỏi được bệnh.
Đức Phật dạy rằng, một vị tăng không được làm mất năng lực và ý chí muốn đạt đến sự thăng tiến tâm linh, ngay cả khi vị ấy bị bệnh chăng nữa. Khi lâm bệnh tinh thần có thể xuống một chút, nhưng trước khi điều đó xẩy ra, phải lo công phu tu tập hết sức để tự mình thăng tiến tâm linh. Trong tiến trình hồi phục cũng không được bất cẩn, bởi vì nếu xẩy ra sự thối chuyển sẽ làm giảm cơ hội đạt sự thăng tiến tâm linh.

Niềm hỷ lạc

Khi được nhắc nhở những phẩm chất tâm linh đã đạt được, điều đó sẽ giúp tạo ra niềm hỷ lạc trong tâm. Niềm hỷ lạc ấy có thể đưa đến sự chuyển hóa các chất hóa học trong thân một cách tích cực và tốt lành. Trong câu truyện Papancasudani có một vị tăng đã bị rắn cắn khi vị này đang chăm chú nghe Pháp. Tuy nhiên, ông ta để mặc không lo chăm sóc vết thương của mình mà vẫn tiếp tục lắng nghe, trong khi chất độc rắn càng lúc càng lan ra và cơn đau càng lúc càng dữ dội hơn. Ông bèn quán tưởng đến những giới hạnh thanh tịnh của mình ngay từ lúc được truyền thọ lên bậc cao hơn. Một niềm hỷ lạc bao la dâng lên trong ông ngay lúc ấy. Sự chuyển hóa tâm lý đã tác động như một chất thuốc chống độc và ông đã được chữa lành ngay lập tức.
Theo như thế ta thấy những yếu tố làm tăng cường sức khỏe được khơi động trong thân khi những chất kích thích tố làm hồi phục sức khỏe được tiết ra, kết quả của sự tập trung chú ý vào phẩm chất tâm linh của mình trong thời điểm lâm bệnh nặng. Kinh tạng Pali đã diễn giải rất nhiều về điều này khi khuyên nhủ những người bị bệnh nan y sắp chết. Nói chuyện về cái chết với người bị bệnh nan y sắp chết không nên được coi là một đề tài khó chịu. Đúng ra là, sự thật về cái chết phải được chấp nhận để giúp bệnh nhân đối phó với tình trạng của mình trong sự tự tin và an bình.
Một lần nọ, Mahanama thuộc giòng họ Thích Ca đã hỏi Đức Phật làm sao một trí giả cư sĩ phải khuyên nhủ thế nào với một trí giả cư sĩ khác đang bị bệnh nan y sắp chết. Trong kinh Sopapattisamyutta (Tương Ưng Bộ Kinh, phẩm Tu Đà Hoàn) Đức Phật đã cho một bài thuyết giảng về vấn đề này. Đầu tiên, người cư sĩ đang lâm bệnh phải được nhắc nhở bốn điều gia hộ: niềm tin nơi Phật, đấng Như Lai toàn tri toàn giác; nơi Pháp, chân lý vượt thời gian hiển hiện trong mọi lúc mọi nơi; nơi Tăng, những người tu tập trong chánh pháp và giới luật để đạt tới tứ thánh quả (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na hàm, A La Hán); và cuối cùng là niềm tin nơi chính mình, nơi phẩm hạnh đạt được từ những nỗ lực tu tập từ trước đến nay. Một người có công phu tu tập như thế sẽ không hãi sợ trước cái chết và không bị rơi vào những cảnh giới xấu ác.

Niềm hoan lạc thiêng liêng

Trong khi an ủi người bị bệnh với bốn điều gia hộ, người cư sĩ phải hỏi người bệnh xem ông ta có còn lưu luyến gì song thân hay không. Nếu vẫn còn, phải chỉ ra cho ông ta hay rằng dù có lưu luyến hay không cái chết cũng vẫn đến – vì vậy, tốt hơn là buông bỏ sự lưu luyến ấy đi. Tương tự như thế, ông ta cũng phải được hỏi xem có còn lưu luyến những người thân khác và những lạc thú của các căn hay không. Ông ta phải được nhắc nhở rằng, những lạc thú thiêng liêng của cõi trời là vượt xa hơn tất cả những lạc thú trần gian của con người. Ông phải được tái sinh và cõi trời Phạm Thiên. Nếu con người quyết tâm hướng đến sự chấm dứt luân hồi sinh tử, Đức Phật nói sẽ không có gì khác biệt giữa ngài và vị tăng đã được giải thoát.
Một câu truyện hay được kể lại trong tạng kinh Pali Citta Samyutta (Tương Ưng Bộ Kinh, phẩm Citta) về cái chết của một vị cư sĩ có mức độ phát triển tâm linh cao. Citta, người chủ nhà, đã đạt được thánh quả A Na Hàm (không còn tái sinh trở lại cõi thế). Khi ông ta bị bệnh nặng, một nhóm thiên nhân đã mời ông tập trung tinh thần để trở thành một vị Chuyển Luân Thánh Vương. Tuy nhiên, ông từ chối lời mời này, cho rằng đó cũng chỉ là vô thường. Trong lúc lâm chung trên giường bệnh, giữa những người thân đang tụ tập chung quanh, ông lập lại sự quan trọng của việc nuôi dưỡng niềm tin nơi Phật, Pháp, Tăng, và sự quan trọng của bố thí, Sau đó, ông đã êm ả qua đời.
Một viên chức thu thuế vô lương tâm thuộc hàng Bà la Môn tên là Dhananjani đã lợi dụng bóc lột cả nhà vua lẫn dân chúng. Có một lần Tôn giả Xá Lợi Phất, một bậc A La Hán, đã gặp ông ta và thuyết cho ông ta nghe về những quả xấu của một đời làm việc bất chính. Khi ông ta bị bệnh trầm trọng, Tôn giả Xá Lợi Phất được thỉnh mời đến giường bệnh của ông. Dhanjani nói rằng ông đang bị một cơn đau đầu mãnh liệt không chịu nổi. Tôn giả Xá Lợi Phất đã hướng dẫn sự chú tâm của ông từ cõi giới xấu lên cõi giới cao hơn của vùng trời Phạm Thiên. Rồi bậc A La Hán giảng cho ông nghe con đường tu tập đưa đến sự tái sinh lên cõi trởi Phạm Thiên, qua sự phát triển hoàn toàn Tứ Vô Lượng Tâm – trải rộng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả đến khắp các nơi trên chốn trần gian.
Đến cuối bài thuyết giảng, Dhananjani nhờ Tôn Giả Xá Lợi Phất gởi lời kính lễ đến Đức Phật. Chẳng mấy chốc sau, Dhananjani đã từ trần và được sinh lên cõi trời Phạm Thiên. Bài kinh này cho ta thấy một con người đã sống một đời ích kỷ vô lương vẫn có thể được hướng dẫn để tái sinh nơi một cõi giới tốt đẹp hơn. Nhưng cũng khó tin được rằng tất cả những người làm việc xấu đều có thể được hướng dẫn để tái sinh trong cõi giới tốt đẹp hơn. Có lẽ Dhananjani cũng đã làm được nhiều điều lành hơn là những điều xấu, nên cán cân thay đổi để ông ta có thể hướng được đến sự tái sinh tốt đẹp hơn, qua sự hộ trì của một vị A La Hán trong giây phút lâm chung.

Một tâm thức được tu dưỡng

Một trong những đặc điểm quan trọng của bài pháp mà A Ha Hán Xá Lợi Phất đã thuyết giảng là ông đã bắt đầu từ cõi giới thấp nhất để thăng hoa lên tới cõi giới trời Phạm Thiên. Có lẽ ông đã bắt đầu từ cõi giới địa ngục, vì Dhananjani đã sa vào cõi giới đó. Chắc hẳn là ngài Xá Lợi Phất đã giúp Dhananjani nhớ lại những việc thiện đã làm trong quá khứ để hướng sự chú tâm của ông vào một bài pháp liên hệ đã được giảng cho ông một ít ngày trước khi lâm bệnh. Dhananjani đã được lợi ích trong phút chót bằng sự trợ lực gợi lên những tiềm năng tâm linh ẩn dấu trong ông.
Truyện này cũng hơi tương tự như câu truyện của chàng trai Mattakundali đã phát khởi được rất nhiều niềm tin và sự hoan lạc khi được Đức Phật quang lâm nơi giường bệnh trong lúc lâm chung, và sau đó đã được sanh vào cõi trời. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, phẩm Tu Đà Hoàn (Sotapattisamyutta) đã nói đến sự sợ hãi và bồn chồn lo lắng cùng cực của một người không có niềm tin nơi tính cao thượng của Phật Pháp Tăng và sống một đời vô đạo đức đang phải đối diện với lưỡi hái của Tử Thần. Nhưng một người có niềm tin sâu sắc nơi tính cao thượng của Tam Bảo và đã sống một đời trong sạch, khi đối diện với cái chết sẽ không sợ hãi. Chính cái lương tâm về tội lỗi đã tạo ra những dằn vặt đau khổ trước cái chết. Trong giây phút hệ trọng này, nếu ở trong một tâm thức sợ hãi và lo lắng, sự tái sinh sẽ được diễn ra ở một cõi giới tương ứng.
Đức Phật nói rằng, một người đã tu dưỡng được nhiều đức hạnh và sống một đời chính trực không cần phải sợ hãi gì cả. Đức Thế Tôn nói: “Nếu một hũ bơ lỏng vị vỡ ra sau khi rơi xuống nước, những mảnh sành sẽ chìm xuống đáy sông, nhưng bơ sẽ nổi lên mặt nước. Cũng vậy, thân vật chất của chúng ta sẽ tan rã, nhưng tâm được tu dưỡng sẽ bay bổng lên như bơ vậy.”
Trong Kinh Trung Hàm, phẩm Phân Biệt Ý Hành (Sankharuppati) (1), Trung Bộ Kinh, phẩm 57 Hạnh Con Chó (Kukkuravatika) (2) và Trường A Hàm, kinh Tam Minh (Tevijja Sutta) (3) đã giải thích rằng sự tái sinh thường tùy thuộc vào những niệm tưởng đã tích lũy qua cả một đời. Nếu người ta hay nghĩ và tưởng đến những tính cách thích hợp của một con vật, như trong kinh Hạnh Con Chó, người ấy có thể sẽ tái sinh làm con vật mang nhiều tính cách ấy. Những người đã tu dưỡng được những tình cảm tối thượng như lòng từ bi rộng lớn vô phân biệt, người ấy sẽ có nhiều cơ may được tái sinh vào cõi trời Phạm Thiên.
Vì thế, sự chuẩn bị cho cái chết đúng ra phải được làm trong khi còn sống. Có niềm tin vững chắc nơi Phật Pháp Tăng và tu dưỡng những thói quen đạo đức thật sự là tiền đề để đạt đến một sự tái sinh trong cõi giới cao hơn. Tuy rằng một người thiếu đạo đức sẽ khó thể vào được một cõi giới cao hơn trong giây phút bước vào cửa tử, phong tục của đạo Phật là thỉnh một vị sư đến bên giường bệnh trong lúc lâm chung, hi vọng rằng sự đọc tụng những bài kinh gia hộ sẽ giúp cho bệnh nhân khởi được niềm tin và thăng tiến những niệm tưởng của họ lên một cõi giới tâm linh cao hơn.

Sự hướng dẫn tâm linh

Một câu hỏi có thể đặt ra là sự hướng dẫn tâm linh không biết sẽ có hiệu quả gì đối với một người bệnh đang bị hôn mê. Bác sĩ và những người ngoài nhìn vào có thể kết luận rằng bệnh nhân không biết gì hết bởi vì người ấy không có phản ứng gì với môi trường chung quanh. Năm giác quan có thể đã bị hủy hoại một phần hay đã hoàn toàn tê liệt, nhưng không ai có thể biết chắc được rằng khả năng tinh thần của người ấy có còn hoạt động hay không. Rất có thể khả năng tinh thần của người ấy lại đang hoạt động nhiều nhất ở thời điểm quan trọng này. Đây là lúc tinh thần người ấy đang có sự dằng co mãnh liệt của ước vọng được sống, với những khuynh hướng lâu dài muốn chống đối lại cái chết. Ước vọng được sống càng thêm mạnh mẽ nhất khi sự sợ hãi cái chết càng tăng cao. Nếu người nào có sự tăng trưởng tâm linh vững chắc, người ấy sẽ có thể đối diện cái chết trước mắt với một tâm an định, vui vẻ và mãn nguyện. Sự tái sinh của một người tương ứng với khả năng tâm linh của người ấy, và điều đó gọi là Nghiệp.
Khi chúng ta đi thăm viếng một người bệnh nan y sắp chết, thái độ thông thường của chúng ta là tỏ ra buồn rầu, nhưng theo đạo Phật không nên có những tư tưởng tiêu cực trong lúc ấy. Nếu chúng ta tỏa ra được lòng từ ái, bi mẫn đối với người bệnh, người ấy sẽ được lợi ích rất nhiều, vì đó có thể là giây phút hệ trọng khi tâm thức cận tử của người bệnh đang hoạt động. Có thể là tâm thức của người bệnh lúc ấy đang rất bén nhậy và tiếp nhận những làn sóng tư tưởng tâm linh của người chung quanh. Nếu những làn sóng tiêu cực được khởi lên do sự buồn rầu than khóc, người sắp chết sẽ bị ảnh hưởng ngược không tốt. Nhưng nếu những tư tưởng của tình thương và lòng bi mẫn được tỏa ra, những tư tưởng ấy có thể trở thành lớp thuốc thoa vi tế làm dịu cho tinh thần, giải tỏa những sầu khổ, lo lắng ở trong giây phút qua đời.

Dịch từ bài “Concept of healing in Buddhism” – Manjari Peiris
Diệu Huyền


7/2017

Chú Thích:
(1) Trung Hàm 168 – Kinh Phân Biệt Ý Hành:
Trong phần này Đức Phật giảng về sự tái sinh do ý hành. Ý hành sanh là sự thọ sanh do hành nghiệp của ý, là sự tái sinh của các hành, không có tái sinh của chúng sanh, của con người. Đây nói đến trường hợp các vị tỳ kheo đã tu tập tới mức chứng được từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền, hưởng sự hỷ lạc do ly dục sanh mà trụ tâm hành định– và từ chỗ hành định ấy mà sinh vào các cõi trời tương ứng.

2) Trung Bộ 57 – Kinh Hạnh Con Chó:
Khi Đức Phật đến thành của dân chúng tộc Koliya có hai người tu khổ hạnh đến đảnh lễ rồi hỏi Phật về vận mạng của họ. Một người tu theo hạnh con chó, một người tu theo hạnh con bò. Tu theo hạnh con chó là dùng cách tu khổ hạnh để sống như một con chó, ngồi như con chó, ăn thức ăn quăng xuống đất như con chó, hành động xử sự như con chó. Người tu theo hạnh con bò cũng vậy, dù cách tu khổ hạnh để hành trì như một con bò. Đức Phật nói rằng: “người tu dùng cách khổ hạnh biến mình thành một con chó, hay con bò rồi mơ tưởng sẽ được sanh vào cõi trời là tà kiến – ngược lại, với tướng và tâm thú huân tập lâu dài như vậy, khi mạng chung sẽ sanh trong cõi thú, nếu không cũng sa vào địa ngục.”

3)Trường A Hàm 26 - Kinh Tam Minh:
Một thời Đức Phật ở nước Câu Tát La, du hành đến một thôn Bà La Môn ở Câu Tát La. Có hai người tu theo thầy Bà La Môn khác nhau tranh cãi nhau, cho là pháp tu của mình mới chân chánh và dẫn đến Phạm Thiên, còn người kia là sai. Rồi họ đến thỉnh ý của Đức Phật. Đức Phật hỏi:” Các thầy Bà La Môn tự nhận là thông tam minh nhưng có ai đã thấy Phạm Thiên chưa?”
Họ trả lời: “Chưa”
Đức Phật nói: “Chưa thấy Phạm Thiên mà chỉ đường đến Phạm Thiên là hư dối, không thật. Dù có nói kinh điển, tinh thông thuật xem tướng nói cát hung, rành tế tự nghi lễ, nhưng tâm còn dính mắc tham dục, còn sân hận uế trược, còn ràng buộc với tài sản quyến thuộc thì không đồng hành với Phạm Thiên, không sanh vào cõi Phạm Thiên được. Còn Tỳ kheo hành từ tâm, sống thanh tịnh không dính mắc ràng buộc, không sân hận, tự tại an lạc thì đồng hành với Phạm Thiên, khi thân hoại mạng chung, trong khoảnh khắc như mũi tên bắn đi, sẽ sanh lên cõi trời Phạm Thiên.”

NB

Theo: Ngocbao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét