CÓ CẦN THIẾT KHÔNG ?

Trong kinh Phật pháp nói có hai pháp môn trường sinh : một là sống hữu ích , hai là sống chậm
Đây chính là hai pháp trường sinh của đạo Phật .
Trường sinh là sao ?Trường sinh ở đây không có hiểu theo nghĩa ngoài đời là sống lâu . Người Mỹ họ có một câu thế này : “ Anh sống bao lâu không quan trọng bằng anh sống kiểu gì “. Nói vậy thì hai phương pháp của đạo Phật là gì ?
Đầu tiên là sống hữu ích : Sống mà có hy hiến có đóng góp , dầu chúng ta có ra đi ở tuổi trung niên thì cái gia tài , cái di sản đóng góp mà mình để lại cho đời nó mãi hoài còn đó , người ta còn dùng nó , người ta nhớ tới mình , như vậy là mình vẫn chưa chết . Trong khi đó nếu mình sống ở đời này theo kiểu góp mặt chứ không phải đóng góp thì nay mai này mình đi , dấu ấn mình để lại nó không có nhiều .
Tôi xác định , tôi xem thường tiếng tăm chết rồi để lại cái xác ướp , cái bia đá vàng , tôi coi thường chuyện đó , nhưng mình phải nhìn nhận với nhau một điều chết rồi mà còn người khác họ nhắc nhở để mà tri ân để mà xem đó là gương lành , gương sáng thì cái chuyện đó cũng nên có , cho nên dầu mình chết ở tuổi 40 , 50 nhưng mà cuộc đời nhớ mình hoài .
Lý Bạch sống đâu có thọ , Khổng Minh cũng đâu có thọ , Khổng Minh thì 54 Nguyễn Du thì 56 , Lý Bạch hình như có tài liệu nói chỉ sống tới 30 ngoài là chết , có tài liệu nói sống tới 64 . Nhưng mà dầu nói bao nhiêu tuổi đi nữa thì phải nói rằng 64 của Lý Bạch 61 của Ngài Huyền Trang 56 của Nguyễn Du 54 của Khổng Minh sống không lâu nhưng mà đời này người Trung Quốc vẫn xem đó là những nhân vật bất tử , vì những đóng góp của họ cho đất nước Trung Hoa lớn quá đi . Đó là phương pháp sống thọ đầu tiên của Phật Giáo , sống hữu ích , sống có đóng góp .
Trường hợp thứ hai là sống chậm : Chậm ở đây không phải là giảm tốc độ , tôi nhắc lại chậm ở đây có nghĩa là đừng có sống xô bồ nữa , làm cái gì biết cái nấy , mình sống trọn vẹn 12 giờ trong ngày vì mình luôn biết rõ mình làm cái gì , nghe đơn giản vô cùng , nếu quí vị tin tôi không mất một xu nào hết , dành một ngày một đêm sống chậm , cầm lên biết cầm lên để xuống biết là để xuống , muốn cầm biết là muốn cầm , đau biết là mình đang đau , vui biết là mình đang vui , bước đi biết là mình đang bước đi .
Có người hỏi tôi Chánh Niệm là sao ? Tôi nói các vị giả định đi , thí dụ như các vị vừa làm bể cái ly trên nền gạch mà chưa có quét , thì lúc đó có chuyện phải đi ngang cái chỗ ly vỡ , các vị đi kiểu gì thì cái tâm trạng đó được gọi là Chánh Niệm , thò tay xuống dưới cống lượm xâu chìa khoá mà biết rất là nhiều miểng chai hay kẽm gai thì sự cẩn thận đó được gọi là Chánh Niệm . Hồi nào tới giờ mình sống xô bồ , mình sống rất là thiếu cảnh giác bây giờ mình biết đạo rồi mình sống chậm lại và có một chuyện mà tôi tin đó là khi quí vị sống Chánh Niệm sống chậm lại một chút các vị sẽ nhận ra thì ra cái tâm thức của mình , cái sinh hoạt của mình nó là một bộ phim rất là hay , nó có nhiều cái để mình coi lắm .
Tôi xin quí vị thử dùm tôi một ngày hay một tuần đó là thay vì quí vị niệm Phật hay là niệm hồng danh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì quí vị Niệm dùm tôi câu này : “ Có Cần Thiết Không “ , câu này nghe rất là kỳ , nhưng mà nó rất cần thiết cho hành giả . Muốn làm cái gì muốn nói cái gì , muốn gửi đi một tin nhắn , muốn trả lời email , muốn gọi phone cho ai đó , đang thấy lẻ loi với một trận mưa khuya , thì muốn làm cái gì tự hỏi mình một câu thôi : “ CÓ CẦN THIẾT KHÔNG ? “

SƯ GIÁC NGUYÊN - TOẠI KHANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét