Tu viện Wat Buddha Dhamma & Ni sư Ayya Khema

Vào năm 1978, Ni Sư Ayya Khema cúng dường 32,000 đô la để mua một khu đất 89 hecta được bao bọc xung quanh bởi Công Viên Quốc Gia ở Wisemans Ferry, phía Bắc Sydney, Úc. Ni Sư thành lập tu viện Theravada Wat Buddha Dhamma, tu tập theo truyền thống Thai Forest Tradition - Ajahn Chah. 

(Ngài Ajahn Chah theo truyền thống hành đầu đà của các sơn tăng hằng ngày mang bát xin ăn và chuyên tâm hành thiền.)
Ni sư Ayya Khema, tên thật là Ilse Ledermann sinh năm 1923, chạy trốn Đức Quốc Xã năm mười bốn tuổi, sống ở Thượng Hải, ở Tô Cách Lan, và trong nhiều năm ở Hoa Kỳ, bắt đầu nghiên cứu Phật Giáo ở Ấn Độ năm 1963 khi chồng của bà làm việc ở đó cho Liên Hiệp Quốc. Năm 1964 bà chuyển tới Úc. Năm 1979 thọ giới Tỳ kheo ni với pháp danh Ayya Khema là Sư trưởng của một Ni viện ở Tích Lan.
Ni Sư đã viết hơn 20 đầu sách về Thiền và Phật giáo bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Quyển nổi tiếng nhất là Being Nobody, Going Nowhere (Việt Dịch: Vô Ngã, Vô Ưu), được giải thưởng Christmas Humphreys Memorial Award. Các sách của Ni Sư được thể hiện bằng một sự hiểu biết sâu xa về các công phu tu hành, thành quả của việc hành thiền, là lời kêu gọi mọi người hãy đơn giản hoá cuộc sống và thanh lọc tâm trí bằng cách ứng dụng những lời Phật dạy. Ni Sư Ayya Khema còn là giám đốc tinh thần của Buddha-Haus (Ngôi Nhà Phật) ở Đức, nơi Ni Sư mất năm 1997 do bịnh ung thư.
Sau đây là đoạn trích trong tự truyện của Ni Sư:
"... Thầy Phra Khantipalo muốn xây dựng một tu viện ở trong rừng. Tôi có ít tiền do bán được trang trại, cộng với gia tài của mẹ tôi- người đã mất năm ngoái- để lại. Tôi bỏ hết cả tiền vào việc lập tu viện, Wat Buddha Dhamma. Thầy Phra Khantipalo và tôi, sau nhiều tháng kiếm tìm, đã chọn được một nơi thích hợp ở giữa một công viên quốc gia -bảy mươi hecta, gần bằng diện tích trang trại Shalom.
Thầy Phra Khantipalo làm trụ trì. Tôi coi quản lý, sắp xếp công việc. Và cả hai chúng tôi đều làm nhiệm vụ giảng dạy. Dần dần nhiều dãy nhà được xây lên, trong đó có một thiền đường. Một cái thất (kuti) dễ thương được cất cho tôi trên triền núi. Lần lần có nhiều kuti khác cũng được cất lên dành cho những người thích theo đuổi cuộc sống tâm linh, để tìm được sự an bình cho tâm hồn.
Có khá nhiều người đến ủng hộ để Wat Buddha Dhamma có thể được duy trì. Tất cả mọi người đều đóng góp vào kinh phí xây dựng. Đến nay, tu viện này đã có mặt hơn hai mươi năm rồi. Lúc đầu chỉ có Phra Khantipalo và tôi là thành viên trong hội đồng quản trị. Ngày nay chúng tôi có cả thảy là bốn thành viên. Một trong các đệ tử của tôi, đại diện cho tôi.
Từ đó trở đi, giáo lý của Đức Phật dẫn dắt cuộc đời tôi. Theo giáo lý này, ta cần phải thực hiện bốn điểm chính, như sau:
- Không cho phép những tư tưởng xấu ác chưa dấy khởi được phát khởi - nói cách khác là tránh xa chúng.
- Không duy trì những tư tưởng ác xấu, khi chúng đã dấy khởi - nói cách khác là làm chủ chúng.
- Hãy phát khởi những ý nghĩ thiện chưa dấy khởi - nói cách khác là tìm cách phát khởi các thiện ý.
- Hãy làm lớn mạnh hơn nữa những tư tuởng thiện đã được dấy khởi - nói cách khác là duy trì, phát triển chúng.
Tránh xa, làm chủ, phát khởi, duy trì: đây là cửa ngỏ đưa đến cuộc sống tâm linh. Điều đó có nghĩa là ta phải luôn kiểm soát và làm chủ tư tưởng của ta. Nếu chúng là các tư tưởng xấu ác, tiêu cực, sân hận, bực tức, ta cần phải biết là chúng chỉ mang đến cho ta đau khổ, phiền não. Bằng phương pháp tọa thiền, ta dần thay thế chúng bằng những tư tưởng tìch cực, thương yêu, giúp đỡ.
Nhưng điều này không phải có thể dễ dàng thực hiện ngay. Không đơn giản như thế. Ta cần phải thực hành những phương pháp này. Trong quá trình chuyển đổi, ta cần phải đi từng bước. Phải dần bỏ các tư tưởng tiêu cực, và thay thế chúng bằng những tư tưởng thiện: Hãy nghĩ đến một cánh đồng đầy bông hoa, một mảng âm nhạc ru hồn. Hay bạn có thể nghĩ đến những người bạn thương yêu. Như thế, bạn có thể hướng tâm mình đến những điều có thể đem lại niềm vui cho tâm bạn, tình cảm bạn.
Khi đã thực hiện được những điều này, bạn có thể trở lại với tư tưởng ban đầu và cố gắng chuyển đổi chúng. Nếu bạn thấy bực tức, sân hận với ai, hãy nghĩ đến những tánh tốt khác của họ.
Muốn thấu hiểu được giáo lý của Đức Phật, cũng như trong quá trình phát triển tâm linh, ta cần phải thực hành được những điều trên. Ngay từ lúc chưa có được sự hiểu biết thấu đáo về Phật pháp, tôi vẫn nhận thức được điều đó. Tôi tự biết rằng việc mình tự làm khổ mình là một hành động điên rồ, nhưng hình như ai cũng dễ dàng mắc phải.

***

Tôi đã nghĩ rằng những tư tưởng hận thù không có lợi ích gì hơn là những đám mây đen che phủ cuộc đời tôi. Sau này tôi tìm thấy những điều tôi đã mơ hồ nghĩ đến được giải thích rõ ràng trong các kinh điển của Đức Phật.
Bốn yếu tố (Tứ Chánh Cần) quan trọng trên nằm trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo đưa ta đến Giác Ngộ giải thoát. Không có khóa tu nào, bài giảng nào, mà tôi không lồng vào đó những lời dạy chí thiết này. Một khi bạn đã thực hành nhuần nhuyễn, chúng trở thành thói quen khiến ta không bao giờ để các tư tưởng xấu ác có thể dấy khởi. Ta xa lánh chúng. Không có nghĩa là ta đè nén chúng.
Hiện nay nhiều người lập luận rằng: Ta không nên đè nén gì cả, ta cần phải để mọi thứ trong ta tuôn tràn. Đó là cách suy nghĩ của nhiều người. Nhưng ở đây không phải là vấn đề của đè nén, mà là xa lánh, tránh xa. Trong mỗi con người đều có cái tốt, cái xấu. Nếu ta chỉ vun trồng cho cái tốt, thì một ngày kia cái xấu sẽ biến mất.
Một khía cạnh quan trọng nữa trong giáo lý của Đức Phật là thái độ xả ly. Con đường đưa đến việc thực hành xả ly nằm trong năm điều sau. Mỗi ngày ta cần quán tưởng về chúng:
- Tôi cũng sẽ bị hoại diệt, không thể trốn tránh điều đó.
- Tôi cũng sẽ bị bịnh hoạn, không thể trốn tránh điều đó.
- Tôi cũng sẽ chết đi, không thể trốn tránh điều đó.
- Tất cả mọi thứ tôi sở hữu, thương yêu, đều sẽ đổi thay, hoại diệt.
- Tôi làm chủ nghiệp của mình, là kẻ thừa hưởng nghiệp do mình tạo ra, dù là tốt hay xấu.
"Tất cả mọi thứ tôi sở hữu, thương yêu đều thay đổi" rất đúng khi áp dụng vào các mối liên hệ cha mẹ, con cái hay vợ chồng. Con cái từ lúc ta sinh chúng ra, chúng đã không ngừng thay đổi. Rồi chúng có thể biến khỏi đời ta bất cứ lúc nào. Các liên hệ giữa những người yêu nhau cũng thế.
Rõ ràng không có ai trong chúng ta nghĩ là con cái hay người ta thương thuộc sở hữu của mình. Tuy nhiên tình cảm ta thì nghĩ như thế về họ, và luôn muốn ràng buộc họ. Vì thế đã có nhiều vấn đề về tình cảm xảy ra trong các gia đình.
Chúng ta muốn điều khiển người thân của mình. Chúng ta nghĩ là mình có thể quyết định việc phát triển của con cái, có thể quyết định những gì con cái mình phải làm hay không nên làm. Chúng ta không những muốn sở hữu con cái hay người thương, mà còn muốn họ phải sống theo ý ta muốn, làm theo những điều ta đòi hỏi, mong đợi ở họ. Nhưng tất cả đều là hoài công.
Chúng ta phải thực tập xả ly nếu ta muốn được sống và thương yêu trong sự tự do. Đức Phật đã nói, thân này không thuộc ta, thì làm sao người khác có thể là ta? Mỗi người tự tạo nghiệp cho mình.
Ở đây tôi muốn giải thích thêm về một phần trong giáo lý của Đức Phật, có liên quan trực tiếp đến tôi -và như tôi biết qua kinh nghiệm- cũng liên quan đến rất nhiều người khác.
Tình yêu cao thượng không đòi hỏi sự sở hữu, mà chỉ có ban phát rộng rãi. Qua thời gian, tôi càng thấm thía với những điều này sâu xa hơn.
Vào năm 1979 tôi quyết định xuất gia. Cho đến thời điểm đó, tôi đã khá từng trải, để nhận thấy rằng tất cả mọi thứ trên cõi này đều không thể mang đến hạnh phúc cho ta. Trong các cuộc hành trình, tôi đã hiểu rằng sự tĩnh lặng, an bình không phải do những thắng cảnh tuyệt vời trên trái đất mang đến cho ta. Chúng chỉ có thể được tìm thấy trong trái tim ta.
Giờ tôi đã sẳn sàng để dâng hiến cuộc đời mình cho lý tưởng cao đẹp nhất..."


(hết trích)

Từ tháng 7 năm 2008 đến nay, viện chủ tu viện Wat Buddha Dhamma là Ngài Ajahn khemavaro.
Ajahn khemavaro sinh năm 1966 tại Việt Nam, vào năm 9 tuổi ngài theo gia đình di cư sang Mỹ. Tốt nghiệp bằng cử nhân về triết học tại trường Claremont McKenna, miền Nam California. Ngoại trừ một thời gian ngắn làm tình nguyện viên cho tổ chức hòa bình ở Niger, công việc chính của sư là trong lãnh vực tài chính ngân hàng. Trong khi làm việc như một người môi giới chứng khoán tại Băng Cốc - Thái Lan, sư bắt đầu có hứng thú tìm hiểu về Đạo Phật & hành thiền. Đầu tiên sư bắt đầu con đường thực hành phật pháp tại chùa Wat Pah Nanachat - Thái (1999). Một năm sau sư thọ giới tỳ kheo theo truyền thống của ngài Ajahn Chah.
Vào năm 2005, sư bắt đầu hướng dẫn vô số khóa thiền tại Singapore, Mỹ, Norway, Úc...

Bài viết được lượm lặt từ nhiều nguồn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét